A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Buôn Ma Thuột hướng đến đô thị xanh và bền vững (Kỳ 2)

08:56 | 10/04/2018

Kỳ 2: Quy hoạch phải đi trước một bước

Tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào đầu tháng 3-2017, các đại biểu tham dự đã chỉ ra rằng, bên cạnh việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng các tiêu chí đô thị, công tác quy hoạch ở đây còn bộc lộ sự bất hợp lý, chưa chủ động và theo kịp thực tế, không đón đầu, đi trước đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình phát triển đô thị hiện nay.

Thiếu quy chế và công cụ quản lý

Đô thị Buôn Ma Thuột được quy hoạch dựa trên tính chất, cấu trúc đô thị hiện hữu gắn với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội vốn có tại những khu vực được mở rộng. Theo quy hoạch, đô thị này gồm 2 vùng cơ bản: vùng phát triển và vùng vành đai xanh. Để bảo đảm và tuân thủ nguyên tắc, ý tưởng quy hoạch ấy thì vấn đề quy chế quản lý quy hoạch cũng như công cụ giám sát trong quá trình đô thị hóa phải được quan tâm đúng mức, nhất là các khu vực đã có quy hoạch chi tiết và đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thì càng nên tránh sự nóng vội, thiếu tầm nhìn như đã từng xảy ra với khu đô thị Đông – Bắc thành phố. 

Quảng trường 10-3 là công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân

 Tại hội thảo khoa học trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị cho rằng việc bố trí, sử dụng quỹ đất sao cho phù hợp và hiệu quả là yếu tố quan trọng, không thể không lưu tâm trong quá trình đô thị hóa. Ở đây, cần phải nhắc lại yếu tố này đã bị xem nhẹ khi quy hoạch, xây dựng khu đô thị Đông – Bắc Buôn Ma Thuột vào những năm cuối thập niên 90. Được biết, ngoài quỹ đất khiêm tốn để mở gần 20 con đường dọc, ngang có bề rộng 6 – 8 m (từ trước Quảng trường thành phố đến chợ Tân An) nối với 2 trục đường lớn Nguyễn Tất Thành và Phan Chu Trinh, thì hiện nay khu đô thị này không còn khả năng mở rộng chỉ giới để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh. Chẳng hạn, để thi công hệ thống thoát nước hoàn chỉnh cho khu vực này, thì chỉ còn mỗi cách đào lòng đường lên, hoặc phải lật tung chỉ giới được thiết kế, quy họach trước đó vì lý do quỹ đất không còn (!?). Điều đáng nói và cũng là hệ lụy kéo theo ở khu đô thị mới Đông – Bắc này là tiêu chí thương mại không đạt được như mục tiêu đặt ra, mà tiêu chí cảnh quan, môi trường cũng trở nên nan giải. Bởi quỹ đất dành cho vỉa hè cũng như các khoảng không gian xanh không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 3% trên diện tích được quy hoạch gần 220 ha.

 

“Trong quá trình phát triển, Buôn Ma Thuột cần đặc biệt chú trọng đến các công trình xây dựng trong lòng đô thị với vai trò tương tác, kích cầu nền kinh tế kết hợp với quy hoạch và chỉnh trang đô thị phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra”. 

 
 
Tiến sĩ, kiến trúc sư  Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Do vậy, theo ông Tôn Thất Quốc Anh – Phó Trưởng Phòng Quy hoạch và Kiến trúc – Sở Xây dựng Đắk Lắk, một quy chế quản lý và phát triển cho đô thị Buôn Ma Thuột hiện tại và tương lai cần phải được xác lập rõ ràng - và từ các cấp, ngành liên quan đến chính quyền xã, phường cần phải nhận thức, tuân thủ nghiêm túc quy chế ấy thì “bài toán” quy hoạch và quản lý Nhà nước về lĩnh vực này mới được giải quyết một cách rốt ráo, hiệu quả.

Công trình xây dựng và vai trò kích cầu 

Có nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý và phát triển các công trình xây dựng theo quy hoạch ở Buôn Ma Thuột vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đối với công trình nhà ở trên địa bàn một số phường trung tâm và các xã vùng ven. Theo Sở Xây dựng, công trình nhà ở trong khu vực đô thị hiện hữu (hơn 5.720 ha) chiếm khoảng 70 – 75%, nhưng công tác quản lý và phát triển loại công trình xây dựng này nhiều năm qua bị buông lỏng, hay nói đúng hơn là luôn ở trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, vì thế không thể hiện được vai trò tương tác, kích cầu nền kinh tế kết hợp với chỉnh trang đô thị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra .

Một góc đô thị Buôn Ma Thuột ngày nay.

Được biết, đến nay các dự án đô thị đã và đang triển khai trên địa bàn Buôn Ma Thuột có diện tích 3.850 ha, trong đó tập trung vào 4 khu đô thị mới thuộc các phường Tân An, Tân Lợi, Tự An và các xã Ea Tu, Ea Kao. Tất nhiên, việc quản lý phát triển các công trình xây dựng tại các khu đô thị này phải được quan tâm, chú trọng hơn. Theo ông Vũ Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, chính quyền thành phố đã có nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh và kiên quyết xử lý vấn nạn xây dựng công trình (nhà ở cũng như cơ quan, công sở) theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã từng tồn tại trong thời gian qua. Theo đó, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng được các ban, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm thể hiện ý chí thống nhất xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 27-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ.

     (Còn nữa)

Đình Đối

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ