A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

2019 và các FTA thế hệ mới

08:28 | 04/01/2019

Tính đến thời điểm hiện nay Việt Nam đã gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận các thị trường mới.

 Đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đồng thời đang tiếp tục đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Đặc biệt, với việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế

Hệ thống cảng biển Việt Nam ngày một hoàn chỉnh, sẵn sàng hòa vào dòng chảy khi nên kinh tế tham gia các FTA thế hệ mới.

Lợi thế khi hội nhập sâu 

Nếu nhìn lại mốc thời gian của năm 2005, năm đầu tiên Việt Nam chính thức mở cửa hội nhập, cho đến nay, có thể thấy, nền kinh tế đất nước đã  thực sự hội nhập một cách mạnh mẽ trong vòng 2 năm trở lại đây. Cụ thể, nếu trước năm 2007 Việt Nam chỉ mới ký kết được 2 FTA, thì sau thời điểm đó, có thêm rất nhiều FTA song phương và đa phương khác đã được ký kết. Và việc ký kết được thực hiện mạnh mẽ nhất kể từ năm 2016 đến nay, khi liên tiếp chúng ta ký kết cũng như đàm phán với nhiều thị trường, trong đó phải kể đến việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). 

Song, có thể khẳng định, việc Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 chính là dấu mốc quan trọng cho cả một quá trình mở cửa sau này- một chủ trương phát triển, hội nhập nhất quán của Đảng, Nhà nước.

Nhìn nhận cơ hội mà Việt Nam có được khi tham gia các FTA, hầu hết giới chuyên gia nhận định, chúng ta có hàng loạt các cơ hội lớn cho tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó ngành được coi là có nhiều lợi thế nhất chính là ngành dệt may. Nếu như khi tham gia WTO, thuế quan áp dụng với hàng may mặc thành phẩm trung bình là 25%, thì khi các FTA ký kết, mức thuế quan giảm chỉ còn trung bình 0-5%. Đây là một minh chứng rõ rệt cho những lợi thế mà chúng ta có được khi bước chân vào sân chơi hội nhập. Điều này cũng được  ông Ngô Chung Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chỉ rõ và cho rằng, các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may cần tận dụng những lợi thế này để nâng cao giá trị xuất khẩu sang các thị trường, từ đó đẩy mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế có được, chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức, bởi khi hàng hóa của chúng ta sang các nước khác với các dòng thuế giảm sâu, thì cũng đồng nghĩa, hàng hóa của các nước khác vào thị trường Việt Nam cũng sẽ hưởng ưu đãi tương tự. Chính bởi vậy, sức ép cạnh tranh là rất lớn. Giới chuyên gia trong ngành chỉ rõ: Đối với AEC, tính cạnh tranh về thương mại hàng hóa sẽ rất cao vì các mặt hàng trong ASEAN tương đối giống nhau. Đối với EVFTA và CPTPP, sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu dù lộ trình giảm thuế quan của nước ta là khá dài (thịt gà sau 11-12 năm, thịt heo tươi sau 10 năm, thịt heo đông lạnh sau 8 năm) do sức cạnh tranh của các sản phẩm này của nước ta còn rất kém so với các nước. Đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung, thách thức lớn nhất vẫn là bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Với những rào cản này, cho dù thuế nhập khẩu của các nước được đưa về mức thấp nhất là 0%, hàng nông sản nước ta vẫn rất khó sang được thị trường các nước nếu không đảm bảo được các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ hội của doanh nghiệp bước vào sân chơi mới

Nói riêng về CPTPP, có thể khẳng định, đây là Hiệp định thương mại có nhiều điểm mới nhất và có ý nghĩa lớn hơn cả đối với Việt Nam so với các Hiệp định khác. 

Nhận định về CPTPP, ông Trương Đình Tuyển- nguyên  Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, phần lớn nội dung của CPTPP vẫn giữ như TPP, có 22 điều  được hoãn thực thi hoặc điều chỉnh. Toàn bộ phần thương mại hàng hóa (bao gồm thuế quan, dệt may, quy tắc xuất xứ, hợp tác hải quan…) không thay đổi. CPTPP tuy không mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam như TPP nhưng vẫn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư. Và tất nhiên, chúng ta phải tận dụng bằng được những cơ hội từ Hiệp định này. 

Ngày 14/1/2019 tới đây, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Bởi vậy, giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các DN  Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để hành động tận dụng cơ hội, hạn chế thấp nhất các rủi ro. 

Nhấn mạnh về những bước đi mà chúng ta cần phải thực hiện khi CPTPP chính thức có hiệu lực, PGS.TS Nguyễn Văn Nam- Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định: Việc chúng ta phải hành động là điều chắc chắn, bởi nếu DN chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức mà không hành động, hiệu quả của việc gia nhập CPTPP giống như ngồi trên “đống vàng” mà không biết cách khai thác. “Do đó, DN phải chủ động tìm hiểu về những thay đổi thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình khi Việt Nam tham gia CPTPP để có kế hoạch hành động kịp thời”- ông Nam nói.

Tham gia sân chơi mới với những đạo luật mới như CPTPP, cái mà các DN Việt Nam cần phải nắm vững đó là “luật chơi”. Nói về điều này, TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng: Mỗi lần Việt Nam thực hiện thêm một FTA mới, sẽ là một cơ hội mới để chúng ta có thể nâng sức cạnh tranh. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng nhiều quy định khác, nhất là các quy định về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường. Ở một khía cạnh khác, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Giảng viên Học viện Tài chính: Việc một DN đơn lẻ tự mình đứng vững trong thời buổi hội nhập ngày càng sâu là rất khó, nhất là khi CPTPP được thực thi. Do vậy, liên kết các  DN trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là hạn chế của DN Việt Nam trong suốt những năm qua.

Ngoài việc tận dụng mọi cơ hội để liên kết, xuất khẩu sang các thị trường thành viên, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến thị trường nội địa với 90 triệu dân. Theo đó, Việt Nam luôn là thị trường “nóng” với sức mua lớn, bởi vậy, nếu DN Việt Nam bỏ qua thị trường nội địa và chỉ “chăm chăm” xuất khẩu, thì chắc chắn, cơ hội sẽ thuộc về tay các DN nước ngoài. Theo các chuyên gia, với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường “lọt vào tầm ngắm” của nhiều DN nước ngoài và họ đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường trong nước với những chiến lược hết sức bài bản, những thương vụ mua bán sáp nhập mạnh mẽ. Đó là thách thức không nhỏ dành cho các DN Việt Nam. Bởi vậy, với những lợi thế sẵn có đối với thị trường trong nước về thói quen tiêu dùng, thị hiếu, tập quán, phong tục… các DN Việt cần phải tận dụng để giữ được cả thị trường nội địa, thay vì chỉ mải mê ở sân chơi lớn mà bỏ ngỏ thị trường trong nước đầy tiềm năng. 

“Chúng ta có thị trường hơn 90 triệu dân nhưng chưa tận dụng được. DN Việt Nam cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chú trọng vào việc xuất khẩu mà cần có các giải pháp cạnh tranh để giành lại thị trường trong nước từ các đối thủ nước ngoài”- ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), nhấn mạnh.

Ngày 14/1/2019 tới đây, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam- Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thì chúng ta phải nhanh chóng hành động. Nếu doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức mà không hành động, thì hiệu quả của việc gia nhập CPTPP giống như người ngồi trên “đống vàng” mà không biết cách khai thác. 

Duy Phương

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ