A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nữ Trưởng ban công tác Mặt trận: Nghèo nhưng vẫn làm việc nghĩa

08:32 | 11/03/2013

Về thôn 7, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), từ người già đến trẻ em khi hỏi đến, ai cũng biết chị Nguyễn Thị Hương - một Trưởng ban công tác Mặt trận năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm, luôn quan tâm, giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn...

 
Chị Nguyễn Thị Hương đứng trên mảnh đất
gia đình hiến làm nhà sinh hoạt cộng đồng
 
Hiến đất xây nhà cộng đồng
 
Cách trung tâm xã khoảng 5km, nhưng phải mất gần tiếng đồng hồ chúng tôi mới tìm tới nhà chị Nguyễn Thị Hương, bởi con đường gồ ghề đá sỏi. Đến nơi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì trước mặt là ngôi nhà xiêu vẹo, chấp vá nhiều lớp gỗ mục - đó là căn nhà của gia đình chị Hương cư trú bấy lâu. Trong khi đó, mới đây, gia đình chị lại hiến đất, góp tiền của xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Hỏi lý do, chị Hương vui vẻ cho biết: "Tất cả những thứ gia đình tôi đóng góp thực chẳng đáng là  bao vì nhờ đó mà mọi người có nhà cộng đồng để sinh hoạt, các cháu thiếu nhi có chỗ đến vui chơi”.
 
Chị Hương (sinh 1968) tại Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1989, chị theo gia đình  vào  xã Ea Phê, huyện Krông Păk lập nghiệp. Tại đây chị đảm nhận Chi hội trưởng phụ nữ gần 10 năm. Sau đó, từ năm 1999 chị cùng gia đình di cư lên xã Ea M’nang ( huyện Cư M’gar) và năm 2001, chị Hương lại tiếp tục được bà con nơi đây tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận cho tới nay. Ngoài ra, chị còn là đại biểu HĐND trong 7 năm (2004 – 2010). Khi hỏi về chị Nguyễn Thị Hương, ông Võ Nhung – Chủ tịch MTTQ xã Ea M’nang dành cho chị những lời ngợi khen: "Với cương vị nào, chị Hương cũng tận tình, năng nổ, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chị xứng đáng với lòng tin yêu của bà con”.
 
Theo chị Hương, cuộc sống của bà con nơi đây rất khổ cực và khó khăn "nhà thưa, điện không, đường khó ”. Diện tích đất tự nhiên cả vùng là 68ha nhưng chỉ có 63 hộ với 285 nhân khẩu. Những con đường "khó hết chỗ nói”, mùa mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mịt mù. Khó khăn chồng chất, dù cách đường lớn gần 2km nhưng trong thôn vẫn có hơn 10 hộ không có điện. Vì vậy, mỗi lần hội họp, tuyên truyền hay phổ biến các chính sách về pháp luật của Đảng – Nhà nước cho bà con trong thôn thì các cán bộ thôn gặp không ít khó khăn. "Vì không có nhà sinh hoạt chung nên chúng tôi lo chọn địa điểm họp. Những ngày nắng thì có thể họp ngoài trời, nếu trời mưa thì phải họp nhờ ở nhà các hộ dân”, chị Hương chia sẻ.
 
Đứng trước khó khăn đó, năm 2011, Ban chấp hành tổ chức họp thôn chọn địa điểm trung tâm xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Sau khi xem xét, chị Hương thấy địa điểm trên đất nhà mình là thích hợp và chủ động bàn với chồng hiến 1720m2 để xây dựng nhà cộng đồng. Trong đó, 1.000m2 đất làm nhà sinh hoạt và 720m2 đất mở rộng đường vào nhà cộng đồng. Có đất để làm nhưng lại không có tiền xây dựng, chị Hương lại đến từng nhà vận động quyên góp 400.000 đồng/hộ, riêng gia đình chị đóng góp 600.000 đồng. Nhờ tinh thần trách nhiệm của chị Hương mà Ban công tác Mặt trận thôn đã vận động được trên 70 triệu đồng để xây dựng nhà cộng đồng thôn khang trang như ngày hôm nay.
 
Tấm gương điển hình làm theo lời Bác
 
Trong cái khó "ló” cái khôn. Để khắc phục tình trạng không có điện cho 10 hộ gia đình, chị Hương bàn với ông Võ Tấn – một trong những người có tâm huyết với thôn, và lấy ý kiến các hộ không có điện để ký kết với Sở Điện lực Đắk Lắk hạ riêng một biến thế với 220 triệu đồng. Được bà con nhất trí cao, đến cuối năm 2012 toàn thôn đã có điện. "Từ khi có điện đời sống bà con bớt cực rất nhiều, đặc biệt  trong lao động sản xuất”, ông Tấn khẳng định.
 
Đến nay, thôn 7 đã có  40 hộ có nhà kiên cố và thu nhập ổn định, các hộ này cũng đã đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2011 đến 2012, thôn 7 giảm từ 14 hộ xuống còn 11 hộ nghèo; xóa được 5 nhà tạm bợ cho người nghèo trị giá 136 triệu đồng, trong đó cấp trên hỗ trợ 111 triệu đồng, người dân trong thôn tham gia đóng góp 25 triệu đồng và 20 ngày công. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn ổn định, đời sống người dân trong thôn ngày càng được nâng lên.
 
Với những việc làm thiết thực của chị Hương, đời sống bà con đã phần nào ổn định. Từ khi làm Trưởng ban công tác Mặt trận, không năm nào chị không được xã Ea M’nang huyện Cư M’gar trao bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2012, chị Nguyễn Thị Hương đã được UBND tỉnh Đắk Lắk chọn là tấm gương điển hình tiêu biểu làm theo lời Bác.
Xuân Hiếu

 

 

    Theo Báo Đại đoàn kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ