A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

'Săn sale' cuối năm, cẩn trọng với hàng giả, hàng kém chất lượng

13:44 | 14/12/2021

Cuối năm là dịp nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm vàng của các doanh nghiệp thúc đẩy doanh thu với hàng loạt các chương trình ưu đãi, khuyến mại lớn nhất trong năm.

Mùa “săn sale” năm nay, thị trường sôi động hơn khi tháng 12 này cũng là Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021. Trọng tâm của tháng khuyến mại này là đẩy mạnh hoạt động ưu đãi trên các sàn thương mại điện tử. Dịch bệnh khiến hình thức mua sắm online trong 2 năm trở lại đây lên ngôi. Không thể phủ nhận sự tiện lợi khi mua hàng trên các nền tảng trực tuyến, song đã có nhiều “cú lừa”, nhiều đối tượng lợi dụng những dịp khuyến mại này, trà trộn bán hàng giả, hàng kém chất lượng để móc túi người tiêu dùng.

Mùa khuyến mại khủng

Nắm bắt nhu cầu mua sắm của khách hàng, thời gian qua, các sàn thương mại điện tử thường tung ra những đợt khuyến mại lớn với hàng nghìn, hàng triệu voucher giảm giá sâu lên tới 90% vào các “ngày đôi” như 9/9, 10/10, 11/11, 12/12. Song song với đó, mỗi tuần, các sàn thương mại điện tử cũng đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, “sale sốc”.

Mùa giảm giá năm nay, thị trường sôi động hơn khi tháng 12 này cũng là Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021. Để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên mọi lĩnh vực, tháng khuyến mại kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Chương trình cho phép các doanh nghiệp thực hiện các chương trình giảm giá sâu với mức ưu đãi lên đến 100% thay vì 50% như thông thường.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đại diện Ban tổ chức, chương trình năm nay có những tín hiệu tích cực là sự đồng hành của các doanh nghiệp thương mại điện tử, viễn thông, ngân hàng...

Mùa sale năm nay, các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động ưu đãi trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo ghi nhận, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chương trình khuyến mại lớn. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như: thời trang, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử,… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và đặc biệt là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tìm hiểu tại sàn thương mại điện tử Shopee cho thấy, nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng nhanh chóng. Trong khuôn khổ chương trình, Shopee tổ chức chương trình Tháng khuyến mại tập trung "Thỏa sức mua - đua sức sắm", diễn ra từ ngày 15/11 đến 31/12. Khách hàng có thể tìm mua những sản phẩm giảm giá sâu lên đến 90% từ các gian hàng trên sàn thương mại điện tử này.

Tương tự, Tiki cũng thực hiện chương trình “Sale nốt chốt năm” với mức khuyến mại lên đến 100% cho tất cả các ngành hàng. Đây cũng là lần đầu tiên sàn chính thức áp dụng ưu đãi 100%.

Những ngày cuối cuối năm cũng là thời điểm vàng cho các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh online trên các nền tảng trực tuyến hoặc mạng xã hội như facebook, zalo lên ngôi.

Chị Trần Kiều Phương ( quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, mua sắm online đã trở thành một kênh mua hàng được người tiêu dùng lựa chọn, ưa thích. Không chỉ có nhiều ưu đãi lớn mà việc mua hàng online giúp khách hàng không tốn thời gian đi lại, hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Cảnh giác với hàng giả

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam, trong 5 đến 6 tháng tiếp theo, nhu cầu chi tiêu mạnh tay để bù đắp thời gian giãn cách sẽ song hành xu hướng ưu tiên mua sắm mặt hàng cần thiết. Sau đó, người tiêu dùng sẽ mua sắm thông minh, bình tĩnh hơn, tập trung sản phẩm thiết yếu với mức chi tiêu hợp lý trên kênh trực tuyến.

Bên cạnh đó, chiến lược “sale quanh năm” của các sàn thương mại điện tử đã tạo ra tâm lý chờ đón những chương trình mới, “săn” được ưu đãi hời để chi tiêu thông minh. Loạt ưu đãi diễn ra liên tục cũng mang đến truy cập và doanh số ổn định cho thương hiệu.

Dịch bệnh khiến hình thức mua sắm online trong 2 năm trở lại đây lên ngôi. Không thể phủ nhận sự tiện lợi khi mua hàng trên các nền tảng trực tuyến, song đã có nhiều “cú lừa”, nhiều đối tượng lợi dụng những dịp khuyến mại này, trà trộn bán hàng giả, hàng kém chất lượng để móc túi người tiêu dùng.

Vào các đợt khuyến mại, nhiều người tiêu dùng chia sẻ rằng, họ cảm thấy rơi vào “ma trận” hàng sale.

Khảo sát tại một số sàn thương mại điện tử có tiếng tại Việt Nam hiện nay, các loại hàng hóa từ nước hoa, mỹ phẩm, quần áo… được rao bán tràn ngập như ma trận, không ít sản phẩm được bán với giá rẻ không tưởng.

Dạo qua một vòng trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhiều sản phẩm nước hoa thuộc thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Dior, YSL, Boss, Le Labo được chào bán với giá rẻ không tưởng chỉ từ vài chục nghìn đến hơn 500.000 đồng/chai với dung tích 50 ml, trong khi đó những sản phẩm này nếu là hàng chính hãng được bán với giá tiền triệu. Hay nhiều loại mỹ phẩm có tiếng bán giá vài trăm nghìn đồng, rẻ hơn một nửa so với hàng chính hãng.

Vào các đợt khuyến mại, nhiều người tiêu dùng chia sẻ rằng, họ cảm thấy rơi vào “ma trận” hàng sale. Thông qua các chương trình khuyến mại hấp dẫn, các nhà kinh doanh bán lẻ “gài bẫy” khách hàng bằng các chiêu trò quảng cáo, thổi phồng giá trị sản phẩm.

Cũng giống như kênh bán hàng truyền thống, trên sàn thương mại điện tử, không phải gian hàng nào cũng bán hàng tốt, bảo đảm chất lượng. Nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng khiến “tiền mất, tật mang”

Cách đây ít ngày, chị Nguyễn Ánh Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua một hộp kem dưỡng da với giá sale là 265 nghìn đồng trên một kênh bán hàng online. Sau vài ngày sử dụng, da mặt chị bị dị ứng, xưng đỏ. Hậu quả là chị Hồng phải đến bệnh viện da liễu để điều trị.

Chị Hồng cho biết: “Tổng số tiền khám và mua thuốc điều trị lên tới hơn 2 triệu đồng, gấp 10 lần tiền hộp kem dưỡng da khuyến mại. Dù tôi đã được nghe cảnh báo nhiều nhưng vẫn bị “sập bẫy” mua phải hàng giả trên mạng. Mục đích của “săn sale” là mua được đồ tốt, giá rẻ, nhưng lại thành ra mua hàng giả, giá tuy rẻ nhưng lại không hề rẻ”.

Liên quan đến việc lừa đảo trên mạng xã hội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng.

NGUYỄN HOÀI
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ