A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phân bón giả đang ở mức báo động

04:41 | 30/05/2013

Đây là nhận định của Bộ Công thương về thực trạng ngành sản xuất phân bón trong nước. Theo Bộ này, ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón giả, kém chất lượng với tỷ lệ rất cao. Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng đang “có vấn đề”.

Phân bón giả tràn ngập thị trường

Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã lên đến mức báo động. Ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm phân bón thiếu đến 80% hàm lượng chất dinh dưỡng.

Thống kê của Cục Hóa chất cho thấy, năm 2011, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu ở một số đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón. Kết quả kiểm tra cho thấy, 46,7% số mẫu không đạt so với công bố áp dụng về hàm lượng hữu cơ, 46,6% mẫu không đạt về hàm lượng đạm tổng số, 33,3% mẫu không đạt về hàm lượng lân dễ tiêu… Đặc biệt, có tới 41% số mẫu được phân tích cho kết quả có vi phạm cả ba yếu tố NPK.

 

 

 Phân bón giả đang ở mức báo động

Phân bón cần được quản lý chặt hơn để tránh bị làm giả, làm kém chất lượng

Ngoài ra, thời gian qua, lực lượng QLTT tại các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Qua đó phát hiện nhiều hành vi vi phạm về giá, chất lượng đo lường. Riêng phân bón giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, số lượng bị bắt giữ đã lên đến hơn 1.000 tấn. “Chúng tôi cho đây mới là phần nổi, bởi số lượng phân bón giả đã được tiêu thụ trót lọt cũng như đang trôi nổi trên thị trường còn lớn gấp nhiều lần, ở hầu khắp các tỉnh, TP”, bà Liên nhận định.

Lý giải nguyên nhân, bà Liên cho rằng, ở nước ta, phân bón được xếp vào một trong những sản phẩm quan trọng về doanh thu cũng như lợi nhuận. Vì vậy, nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia sản xuất. Vả lại, phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất và kinh doanh có điều kiện, cần phải có giấy chứng nhận hoặc giấy phép, do đó, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ điều kiện cần thiết vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh. Một số không ít các nhà sản xuất không chấp hành tốt quy định của Nhà nước, cố tình đưa ra thị trường những loại phân bón giả, kém chất lượng. Số tiền nông dân bị thiệt hại, cả trực tiếp và gián tiếp, khi sử dụng phân bón giả, lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm.

Thủ tục hành chính làm khó cả quản lý và sản xuất

Hiện nay, theo quy định, phân bón đang được quản lý theo danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, do Bộ NN-PTNT ban hành và bổ sung hàng quý. Ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Phân bón (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) cho biết, các loại phân bón chưa có trong danh mục phải được thực hiện khảo nghiệm để công nhận là phân bón mới, trừ các loại phân vô cơ, phân hữu cơ truyền thống và các loại phân bón do Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Để có tên trong danh mục phân bón, ông Tác cho biết, cần phải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau. Điều này gây khó khăn cho nhà sản xuất và cả chính cơ quan quản lý. “Việc quản lý phân bón theo danh mục như vậy rất tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu, không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp và không còn phù hợp với thực tiễn”, ông Tác thừa nhận.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, hiện Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cùng tham gia quản lý Nhà nước về phân bón. Tuy nhiên, việc phân định rõ trách nhiệm chính trước Chính phủ chưa thực sự rõ ràng. Bởi thế, chưa có cơ quan nào có đầy đủ thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, XNK phân bón. “Việc quản lý phân tán, chống chéo theo kiểu “quản lý giữa khúc” nên lỏng lẻo là đương nhiên. Ngoài ra, ở địa phương, cơ quan quản lý phân bón thiếu cán bộ, trang thiết bị phân tích… nên phân bón giả càng có cơ hội lộng hành”, bà Thoa nói.

Từ thực tiễn trên, bà Thoa cho rằng, cần thiết phải xây dựng nghị định mới về quản lý phân bón. Theo đó, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm về phân bón vô cơ, còn Bộ NN-PTNT quản lý phân bón hữu cơ và các phân bón khác. “Phải phân định rạch ròi trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước mới có thể đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vào quy củ”, bà Thoa đề xuất.

Theo Bộ Công thương, với chủ trương phát triển mạnh ngành công nghiệp phân bón để chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế NK, sản xuất phân bón vô cơ trong nước đã không ngừng tăng trưởng. Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy đã đáp ứng được 80% nhu cầu nội địa với tổng sản lượng khoảng 8 triệu tấn các loại. Quan trọng hơn, các loại phân bón chính có ảnh hưởng lớn trên thị trường như ure, NPK, lân… đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

    Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ