A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân kêu trời vì thuốc diệt chuột rởm?.

08:13 | 22/12/2015

Người dân bắt chuột sống về, trộn thuốc đúng tỉ lệ cho chuột ăn, nhốt vào lồng để theo dõi nhưng 2-3 ngày sau chuột vẫn sống khỏe mạnh. Cho chuột ăn thuốc với lượng lớn hơn, nhưng 1 tháng sau, những con chuột đem ra thí nghiệm vẫn không chết.

Ruộng ngô bị chuột tàn phá

Ông Hồ Trọng Mạo ở xóm 8, xã Diễn Trường (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, 20 ha ngô vụ đông của ông và một số hộ dân sắp đến ngày thu hoạch để bán cho Cty CP Sữa TH đang bị lũ chuột đồng tàn phá, thiệt hại nặng.

Mua phải thuốc diệt chuột rởm?

Điều đáng nói là mặc dù ông Mạo đã mua 1 kg thuốc Rat-K 2% DP để diệt nhưng chuột không chết!

Trước khi làm đất, ông đã lên Trạm Giống cây trồng huyện Diễn Châu mua 1 kg thuốc Rat-K 2% DP (10 hộp, 100 gói) do Cty TNHH Thanh Sơn Hóa Nông (có địa chỉ tại 829 Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM sản xuất).

Ông trộn thuốc đúng hướng dẫn in trên bao bì, đặt trước các hang chuột. Toàn bộ số thuốc trên có cùng ngày sản xuất là 20/2/2015, thời hạn sử dụng 2 năm, có đầy đủ tem nhãn, được đóng dấu hợp quy.

Về nguyên liệu, bao bì sản phẩm ghi “Nguyên liệu của: Siyang Rodenticide Factory. No. 3 Beijing East Road, Eastern of Siyang Industry Zone, Jiangsu, Chine”.

“Tôi đã trộn với gạo theo đúng công thức, tỉ lệ và đặt trước các cửa hang chuột. Theo hướng dẫn trên bao bì thì chuột sẽ chết trong hang nên tôi cũng không để ý.

Thế nhưng, cuối tháng 9/2015, khi hạt vừa nhú mầm khỏi mặt đất thì bị chuột cắn phá gần hết, tôi bắt đầu nghi ngờ về chất lượng thuốc.

Sau 4 lần gieo đi gieo lại, 20 ha ngô mới cơ bản được khép kín. Và cứ như thế, chuột cắn phá cho đến thời điểm này, khi cây ngô đã trổ bông cũng bị cắn phá không thương tiếc.

Nhiều diện tích bị chuột cắn không thể trổ, đa phần bị cắn gãy ngang cổ bông, số trổ được bông cũng bị chuột cắn phá gần hết; số lượng hang chuột giữa ruộng ngô nhiều vô kể.

Tôi đã phải mua hết trên 2 triệu đồng tiền bẫy diệt chuột thủ công về rải trên đồng nhưng vẫn không diệt xuể vì lượng chuột nhiều vô kể”, ông Mạo cho biết.

Ông Mạo nhiều lần liên lạc theo số điện thoại nhà sản xuất ghi trên bao bì nhãn mác nhưng không có người bốc máy. Sau đó, vì tò mò, nhiều hộ dân đã đào phá hang chuột nhưng không thấy một con chuột nào chết.

Họ tiếp tục bắt chuột sống về, trộn thuốc đúng tỉ lệ cho chuột ăn, nhốt vào lồng để theo dõi nhưng 2-3 ngày sau chuột vẫn sống khỏe mạnh. Cho chuột ăn thuốc với lượng lớn hơn, nhưng 1 tháng sau, những con chuột đem ra thí nghiệm vẫn không chết.

 

Ruộng ngô bị chuột tàn phá

Ông Hồ Trọng Sửu ở xã Diễn Trường cũng cho biết: "Loại thuốc này, người dân địa phương đã sử dụng vài năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả diệt chuột như thế nào thì rất khó kiểm chứng vì theo chỉ dẫn, chuột sẽ chết trong hang.

Thực tế không thấy chuột chết trên đồng, mùa gieo mạ, vào buổi tối, người dân vẫn phải cùng nhau ra đồng đặt bẫy, diệt chuột thủ công".

Ai chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Văn Phú, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Diễn Châu cho biết, Rat-K 2% DP dạng bột, có chứa hoạt chất warfarin, là thuốc diệt chuột nhóm chống đông máu gây xuất huyết nội tạng. Chuột thường bị chết trong hang sau khi ăn bả 3-5 ngày nên tỉ lệ ăn mồi rất cao.

Mặt trước và sau của thuốc diệt chuột Rat-K 2% DP do Cty TNHH Thanh Sơn Hóa Nông sản xuất

Sau khi nắm được thông tin sự việc, Trạm BVTV huyện Diễn Châu đã phối hợp với Thanh tra Chi cục BVTV Nghệ An 2 lần lấy mẫu gửi đi kiểm tra tại Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc và Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam.

Kết quả 2 lần kiểm tra đều cho thấy, hoạt chất warfarin đều đạt tiêu chuẩn cho phép, thuốc còn hạn sử dụng gần 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế khi người dân sử dụng thuốc đúng hướng dẫn trên bao bì thì chuột vẫn không chết.

Để làm sáng tỏ vấn đề, ngày 19/11/2015, Chi cục BVTV Nghệ An đã cho chuột ăn thuốc Rat-K 2% trong phòng thí nghiệm. Kết quả là chuột vẫn sống bình thường.

Trước tình hình này, ngày 4/12/2015, Chi cục BVTV Nghệ An đã có tờ trình số 215/BVTV-TTr gửi Cục BVTV xin ý kiến chỉ đạo về việc thuốc trừ chuột Rat-K 2% DP không có hiệu quả.

Tờ trình đề nghị Cục BVTV cho thử nghiệm lại hiệu lực trừ chuột của thuốc Rat-K 2% DP và hoạt chất Warfarin để có cơ sở khoa học trong công tác quản lý về chất lượng và chỉ đạo phòng trừ chuột.

Đồng thời, tờ trình đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã và các cơ sở buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Nghệ An khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc trừ chuột Rat-K 2% DP và các loại thuốc chuột khác có hoạt chất warfarin để trừ chuột.

Ngày 17/12/2015, UBND huyện Diễn Châu có công văn số 1468/UBND-NN về việc ngừng sử dụng thuốc diệt chuột Rat-K 2% DP.

Công văn này yêu cầu các cơ sở buôn bán thuốc BVTV niêm phong lượng thuốc Rat-K 2% DP còn tồn trong cửa hàng và không được buôn bán; đề nghị quản lý thị trường vào cuộc thanh kiểm tra vi phạm nhãn hiệu cũng như chất lượng của loại thuốc Rat-K 2% DP trên địa bàn huyện…

Như vậy, thực tế lô thuốc trừ chuột Rat-K 2% DP do ông Hồ Trọng Mạo mua từ Trạm Giống cây trồng huyện Diễn Châu không có tác dụng diệt chuột như khuyến cáo của nhà sản xuất.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến Rat-K 2% DP không có tác dụng diệt chuột và ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại do việc sử dụng thuốc Rat-K 2% DP gây ra?

Theo tính toán của ông Mạo, nếu không bị chuột phá hại, với gần 20 ha, các hộ dân sẽ thu hoạch 800 tấn thân ngô. Với giá 800.000 đồng/tấn, họ sẽ thu về 640 triệu đồng, trừ các chi phí đầu vào, nhân công, lãi khoảng 200 triệu đồng.

Thế nhưng với tình hình hiện nay, họ chỉ thu được khoảng 40% sản phẩm, lỗ gần 200 triệu đồng.

Theo phản ánh của ông Mạo, đến ngày 18/12/2015, sau nhiều nỗ lực liên lạc, đại diện Cty TNHH Thanh Sơn Hóa Nông mới cho người về gặp gỡ các hộ dân để tìm giải pháp. Tuy nhiên, phía Cty đã chối bỏ trách nhiệm.

“Cty TNHH Thanh Sơn Hóa Nông chỉ chấp nhận thay số thuốc không hiệu quả bằng một loại thuốc khác, đồng thời hỗ trợ 2-5 triệu đồng.

Chúng tôi rất bức xúc vì thuốc diệt chuột không hiệu quả đã gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, đó là số tiền rất lớn đối với nông dân như chúng tôi. Không ngờ, Cty lại vô trách nhiệm đến thế!”, ông Mạo bức xúc.

Trả lời PV qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Trìu, nhân viên kinh doanh Cty TNHH Thanh Sơn Hóa Nông cho biết: “Qua kiểm định thì thuốc không có vấn đề gì. Trong sinh học có hiện tượng nhờn thuốc, không chỉ con chuột mà còn xuất hiện trên con sâu, ở nhiều địa phương chứ không chỉ có một nơi, có thể xuất hiện sau khi sử dụng vài ba lần. Bà con nông dân không biết nên cứ cho rằng, đã là thuốc diệt chuột thì chuột phải chết(?)”.

Khi PV hỏi, vậy tại sao nhà sản xuất không khuyến cáo điều này trên bao bì nhãn mác thì ông Trìu cho biết: “Đây là vấn đề do đăng ký, sau này Cty nên có những sự chỉnh sửa”.

 

VÕ DŨNG

 
 

 

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ