A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trồng tiêu ghép Amazon: Cẩn trọng kẻo…“tiền mất, tật mang”

10:31 | 15/01/2016

Tiêu gép Amazon là giống tiêu được lấy gốc từ cây tiêu rừng, tên khoa học là Piper Colubrinum link, xuất xứ từ Nam Mỹ. Vì nhìn hình thái khá giống cây trầu nên người ta gọi là trầu Nam Mỹ.

Người ta dùng cây này làm gốc để ghép các giống tiêu của Việt Nam cho ra giống tiêu ghép Amazon

Trong vài năm gần đây, trước tình trạng các giống tiêu truyền thống thường mắc bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm thì một “giống tiêu lạ” đã xuất hiện với tên gọi tiêu ghép Amazon.

Theo như quảng cáo của các đại lý bán cây giống thì loại tiêu ghép này có khả năng chịu úng, bộ rễ khỏe, kháng được các bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm. Vậy nên, nhiều hộ dân có vườn tiêu chết đã mua giống tiêu này về trồng với mong muốn loại trừ được dịch bệnh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế thì chưa thấy đâu, nhiều trụ tiêu giống Amazon đã chết dần khi chưa kịp cho quả.

Năm 2013, nghe lời giới thiệu của một số người quen, ông Trần Duy Lợi, thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) đã bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua giống tiêu ghép Amazon về trồng thay thế vào các trụ tiêu đã chết của vườn tiêu nhà mình với giá mỗi cây giống 22 ngàn đồng. Với những gì ông nghe được từ người bán giống, hy vọng tiêu Amazon là “cứu cánh” để gia đình thoát khỏi cảnh nơm nớp lo vườn tiêu chết nhanh, chết chậm.

Lúc đầu mới trồng, giống tiêu mới này phát triển tương đối nhanh nhưng càng về sau, việc đẻ nhánh, vươn đọt có vẻ như không bình thường và đến nay, hơn 130 trụ tiêu này đã chết chỉ còn vỏn vẹn 5 trụ. Vậy mà, 5 trụ còn sống sau hơn 2 năm vẫn mới chỉ cho vài nhánh trái.

 

Một trong những cây tiêu ghép Amazon của gia đình ông Trần Duy Lợi, thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) sau hơn 2 năm vẫn chưa ra quả

Gần vườn ông Lợi, gia đình ông Mạnh cũng đã trồng 500 trụ tiêu ghép Amazon. Hiện, các trụ tiêu này cũng đã chết dần, chết mòn, số còn lại đang trong quá trình cho quả bói nhưng cũng không nhiều so với các giống tiêu truyền thống.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp  - PTNT huyện Đắk Song thì hiện trên địa bàn huyện có khoảng 10 ha tiêu ghép Amazon đã được người dân trồng. Tuy nhiên, đây là con số nắm được từ các hộ trồng tương đối tập trung, còn những diện tích trồng rải rác thì rất khó thống kê.

Qua khảo sát, giống tiêu này khi trồng đòi hỏi nhu cầu nước tưới rất lớn. Mặt khác, bộ rễ của cây rất dễ bị mối ăn hoặc bị nứt mắt ghép, ra trái răng cưa… Vì vậy, mặc dù được xem là giống kháng bệnh nhưng tỷ lệ cây sống không cao, không phù hợp với vùng đất khó khăn về nguồn nước. Bên cạnh đó, năng suất của giống tiêu này cũng chưa cho thấy tính vượt trội so với những giống tiêu phổ biến hiện nay.

Không riêng gì Đắk Song, với mong muốn tìm kiếm một giống tiêu ưu việt trong kháng bệnh, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mua giống tiêu ghép Amazon về trồng. Điển hình như xã Đắk N’Drót (Đắk Mil), địa phương này hiện có khoảng 40 ha tiêu Amazon được người dân trồng nhưng hiệu quả cũng chưa thể khẳng định.

Theo anh Trần Văn Hùng, người chuyên cung cấp cây giống như cà phê, tiêu  ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có điểm bán cây giống ở thị trấn Kiến Đức thì thời gian qua, có khá nhiều người dân ở Đắk Nông hỏi mua giống tiêu ghép Amazon. Chỉ riêng điểm bán ở Kiến Đức, mỗi năm, anh đã tiêu thụ từ 3.000 đến 6.000 cây tiêu giống Amazon.

Qua tìm hiểu được biết, đây là giống tiêu chưa có chủ trương trồng khảo nghiệm nên chưa được công nhận là một tiến bộ kỹ thuật, cũng như được kiểm định về năng suất và chất lượng.

Cụ thể nhất là trước việc xuất hiện giống “tiêu lạ”, Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp-PTNT các tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông với nội dung: Giống tiêu dại có nguồn gốc từ rừng Amazon ở vùng Nam Mỹ có tên khoa học là Piper colubrinum link, dạng thân bụi, lá to, dây màu xanh đậm, cây sinh trưởng khỏe, nẩy chồi mạnh, phát triển tốt trong môi trường đầy đủ nước, kém chịu hạn.

Đến nay, các hộ trồng giống mới này được từ 1 đến 3 năm, chưa có kết quả về năng suất, chất lượng và chưa được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá đầy  đủ. Vì vậy, các địa phương cần theo dõi, khuyến cáo người dân khi trồng giống tiêu này.

Liên quan đến vấn đề này, theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì đơn vị đã khuyến cáo người dân không nên trồng tập trung với diện tích lớn giống tiêu ghép này vì hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình khảo nghiệm để đánh giá mức độ thích nghi, biện pháp chăm sóc cũng như năng suất, hiệu quả cây trồng. Mặt khác, người dân cũng nên cẩn trọng, không quá tin vào những lời quảng cáo từ người bán cây giống kẻo rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

Bài, ảnh: Hà An

    Nguồn: baodaknong.org.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ