A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ông Nghĩa máy cấy: Nhà sáng chế nông dân

08:40 | 20/03/2018

Mấy năm nay, ở xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình nổi danh một nhà sáng chế là nông dân.

 Ông không chỉ ngẫu nhiên được cha mẹ đặt trùng tên với một nhà khoa học của Việt Nam -Trần Đại Nghĩa - mà còn “trùng” đam mê nghiên cứu chế tạo máy của nhà khoa học này: tự nghiên cứu, chế tạo thành công máy cấy lúa không dùng nhiên liệu, thân thiện với môi trường, có thể cấy được tới 5 sào Bắc Bộ/ngày.

Ông Trần Đại Nghĩa bên chiếc máy cấy bán tự động do chính mình làm ra.

Máy cấy ông Nghĩa làm ra có nhiều loại, không hoặc có động cơ, với giá bán rất “mềm”, chỉ từ vài triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng, phù hợp theo từng nhu cầu của khách hàng. Máy cấy của ông Nghĩa ai cũng có thể dễ dàng sử dụng được, cho hàng lúa rất đều, khoảng cách hàng sông (theo chiều dọc) và hàng con (theo chiều ngang) không quá lớn như các máy cấy nhập khẩu, lại có nhiều mẫu mã phù hợp với nhu cầu tiêu thụ các vùng. 

Máy chỉ “kén” ở khâu: Bắt buộc phải gieo mạ theo công nghệ mạ khay. Theo ông Nghĩa, bà con chỉ cần gieo mạ trên nền cứng, phẳng theo từng ô, diện tích 40x 20 cm là được, hoặc trong những chiếc khung sắt hình chữ nhật rộng khoảng 1,5 m2 đặt trên sân rồi đổ vào đấy khoảng 3 xô bùn (khoảng 5 kg) trộn đều với một xô chấu (tạo sự liên kết giữa các dảnh mạ) là được. 

Qua thử nghiệm, máy cấy không động cơ cấy mỗi giờ từ 1- 1.5 sào bắc bộ, mỗi ngày cấy 8-9 sào, bằng 10 lần người cấy. Máy cấy có động cơ có thể cấy được từ 4-5 tiếng đồng hồ/lần sạc ắc quy, mỗi tiếng cấy được từ 2-3 sào ruộng. 

Trong tương lai ông dự kiến sẽ cho ra loại máy cấy chạy hoàn toàn bằng động cơ, thậm chí máy có thể tự vận hành với giá cả phải chăng, không quá 1.000 USD (trong khi tại Hàn Quốc, máy này hiện đang được bày bán với giá 2.000 USD, các máy cấy của Nhật như Kubota có giá trên 100 triệu đồng…) . 

Ông Phan Châu Giang ở xã Tự Tân- một khách hàng của ông Nghĩa chia sẻ, “Nhà tôi cấy nhiều ruộng nếu thuê cấy tay 1 ngày mất 250. 000 đồng/ công. Chúng tôi mua máy cấy này về rồi, bỏ ra 3.900.000 đồng thì so với cấy tay tôi thấy rẻ hơn nhiều”.

Chúng tôi đến thăm ông Trần Đại Nghĩa khi vụ cấy mùa đã được bà con hoàn tất. Theo đề nghị của chúng tôi, ông mang máy cấy xuống mảnh ruộng ngay trước nhà cấy thử. Vừa làm, ông vừa tâm sự: “Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Từ nhỏ đã hiểu rất rõ những vất vả, khổ cực mùa vụ mà bố mẹ cùng bà con nông dân quê mình đã trải. Cũng từ đó mà ý định làm sao chế tạo ra được những chiếc máy như thế này để có thể giúp bà con đỡ vất vả”.

Cơ duyên của sự nghiệp này, theo ông, bắt đầu từ đầu những năm 2000, khi ông may mắn có dịp được sang học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Trong những năm tháng đó, ông thường lang thang đi về vùng nông thôn tìm hiểu cung cách làm ăn của họ ra sao.

Chính từ những chuyến đi đó, một trong những thứ đã bắt mắt ông là những chiếc máy cấy do bạn sản xuất. Máy chạy bằng động cơ, cấy rất nhanh, lại đều tăm tắp. Mặc dù chưa biết nó hoạt động ra sao nhưng trong đầu ông đã nung nấu một ý tưởng khi nào về nước, sẽ nghiên cứu, chế tạo bằng được máy này để có thể hỗ trợ bà con.

Về nước, nghĩ sao làm vậy, đã trải qua bao đêm thức trắng ông Nghĩa tự tay thiết kế rồi hàn gắn, lắp ghép từng chi tiết. Để rồi, sau nhiều lần mày mò, làm đi làm lại đến cả chục lần, gần 2 tháng sau, chiếc máy cấy lúa đầu tiên do ông sản xuất, cũng là chiếc máy cấy đầu tiên do nước ta tự sản xuất ra đời. 

Vụ mùa năm 2014, ông cho chạy thử nghiệm máy cấy ngay trên ruộng lúa nhà mình trước bao ánh mắt bất ngờ và thán phục của mọi người. Vừa sản xuất, ông vừa khắc phục, chỉnh sửa những điều chưa hợp lý, cải tiến cho hoàn chỉnh. 

Theo các nhà chuyên môn, so với những chiếc máy cấy nhập khẩu hiện nay, chiếc máy cấy mà ông Nghĩa chế tạo có nhiều ưu điểm. Máy cấy này có thể sử dụng trên nhiều loại ruộng lúa khác nhau. Và điều đặc biệt là máy không sử dụng động cơ chạy bằng nhiên liệu nên rất thân thiện với môi trường. Nhờ đó, máy được nhiều người nông dân lựa chọn. 

Bởi vậy, đến nhà ông Nghĩa còn được gặp rất nhiều khách hàng là nông dân từ nơi khác tìm về. Ông Trần Văn Cảnh (Thanh Miện- Hải Dương) cho biết: “ Tôi xem trên mạng thấy chiếc máy cấy này rất thuận tiện với nhà nông nên 4 anh em  quyết định mua  một cái cho đỡ vất vả”. 

Ông Vũ Văn Ánh, xã Đông Long, huyện Tiền Hải cũng chia sẻ: “ Nhà tôi cấy 1 mẫu, các cháu đi làm xa hết rồi mà việc cấy hết sức vất vả. Cho nên tôi mua về cũng là để giải phóng sức lao động”.

Hiện ông Nghĩa đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sáng chế của mình. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục nâng cấp và cải tiến những chiếc máy cấy này nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Trần Đại Nghĩa cũng đã được nhận rất nhiều giấy khen của UBND các cấp, trong tỉnh Thái Bình, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Đại hội thi đua yêu nước và được biểu dương tại Hội nghị Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV, giai đoạn 2010-2015 vừa qua.

Trần Ngọc Kha

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ