A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

4 tháng không có một ô tô nhập khẩu nào có nguồn gốc từ châu Âu

08:47 | 05/07/2018

Theo trưởng nhóm công tác ô tô và xe máy của VBF, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu của các nước phát triển trong 6 tháng qua. Từ tháng 1 đến tháng 4-2018, không có 1 ô tô nhập khẩu nào có nguồn gốc từ châu Âu.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức ngày 4-7, nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy đã bày tỏ quan điểm về Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Trưởng nhóm công tác ô tô và xe máy của VBF, ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nêu ý kiến một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116 và việc thực thi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ hiện nay đang tác động làm cho thị trường bất ổn (như yêu cầu về chứng nhận VAT, chứng chỉ ECE cho linh kiện, phụ tùng nhập khẩu...).

"Một thị trường tăng trưởng ổn định cần bao gồm cả sự cân bằng hợp lý của cả xe CKD (xe lắp ráp) và xe CBU (xe nhập khẩu). Để thực hiện và duy trì sự cân bằng, chúng ta nên cần tăng cường khả năng cạnh tranh của xe CKD phục vụ phần lớn thị trường. Đồng thời, phân khúc xe mà thị trường nhỏ hơn có thể cũng được đáp ứng khi Chính phủ cần phải sửa đổi một vài điểm trong Nghị định 116. Nghị định này gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu CBU của các nước phát triển (như Nhật Bản, các nước châu Âu,…) trong 6 tháng vừa qua"- ông Toru Kinoshita nói.

Báo cáo của nhóm công công tác ô tô và xe máy cho biết sau khi Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 17-10-2017, các công ty sản xuất và nhập khẩu xe đã tích cực làm việc với các đối tác tại nước xuất khẩu, cũng như đã có rất nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhưng vẫn nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc và chưa có hướng tháo gỡ khi thực thi nghị định này. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp kinh doanh xe trong nước và nhập khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu cho các tháng đầu năm 2008 đã bị hủy. "Việc hủy các đơn hàng này đe dọa tới hàng ngàn việc làm trên khắp Việt Nam, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý của các hãng xe"- báo cáo viết.

Theo thống kê, chỉ có 1 lô ô tô nhập khẩu cập cảng TP HCM và Hải Phòng trong 3 tháng năm 2018. Riêng thời gian cho việc thử nghiệm khí thải và an toàn đã kéo dài tới 3 tuần. Khi số lượng xe nhập khẩu tăng lên (nguồn từ Thái Lan và Indonesia), thời gian chờ thử nghiệm có thể còn kéo dài hơn.

Từ tháng 1 đến tháng 4-2018, không có một xe nhập khẩu nào có nguồn gốc từ châu Âu. Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) lo ngại rằng, yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu trong Nghị định 116 và Thông tư 03 đang trái với cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EV-FTA). Hiệp định EV-FTA được ký kết ghi rõ việc chấp nhận chứng nhận ECE đối với xe nhập khẩu, phụ tùng linh kiện mà không cần phải kiểm tra hay kiểm tra lại.

"Thực tế cho thấy việc thiếu nguồn cung xe từ đầu năm 2018 đến nay đang xảy ra tình trạng bất ổn không chỉ cho xe nhập khẩu mà còn cả việc kinh doanh xe sản xuất trong nước nữa, điều đó cũng dẫn đến việc khách hàng phải chờ lâu hơn để có xe. Chúng tôi lo ngại khi việc kinh doanh xe (cả CBU và CKD) hiện đang giảm tổng cộng 31%, kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực (theo dữ liệu của VAMA)"- báo cáo nêu rõ.

Ông Toru Kinoshita khẳng định để phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô cần thực hiện giải pháp đồng bộ, trong đó, Chính phủ cần loại bỏ các quy định bất hợp lý trong Nghị định 116 và Nghị định 140 để tránh làm thị trường ô tô trở nên bất ổn kéo dài.

"Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên, và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định của năm ngoái, mà không cần thử nghiệm lại"- ý kiến của nhóm công tác ô tô và xe máy VBF nêu rõ.

Phản hồi về những yêu cầu trong Nghị định 116 và Thông tư 03, Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Công, khẳng định việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm kiểm tra chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu, đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng và tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

"Không kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ có trường hợp xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải ở lô hàng đầu tiên và các lô sau đó không phải kiểm tra, thử nghiệm. Điều này tạo ra kẽ hở lớn để các đơn vị nhập khẩu hàng hoá kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu, tiềm ẩn nguy cơ gian lận về chất lượng, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Tin-ảnh: Dương Ngọc

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ