A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trái với kêu than, xe nhập khẩu vẫn về nhiều

14:26 | 07/12/2018

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) ô tô, xe máy một lần nữa cho rằng, các chính sách hiện hành đối với ngành công nghiệp hỗ trợ chưa hợp lý.

Nghị định 116 đã quy định các điều kiện kinh doanh đối với xe nhập khẩu nhưng không thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của xe lắp ráp trong dài hạn.

Dù giới doanh nghiệp kêu cứu, xe hơi nhập khẩu vẫn nhiều.

Liên tiếp đưa ra kiến nghị

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên - VBF 2018 vừa diễn ra, ông Toru Kinoshita - Trưởng Nhóm Công tác Ô tô/Xe máy, đưa ra nhiều kiến nghị về chính sách áp dụng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt nhắc nhiều về Nghị định 116 của Chính phủ quy định các điều kiện kinh doanh đối với xe nhập khẩu (CBU).

Về Nghị định 116, Nhóm công tác cho rằng, Điều 2, khoản 1 của Nghị định 116 có quy định: “Nghị định này áp dụng với DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan”. Tuy nhiên, trong Dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải lại quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả những DN nhập khẩu phụ tùng thay thế. Những DN này không thuộc đối tượng quản lý của Nghị định 116.

Nhóm công tác đề nghị sửa đổi Điều 2 của Dự thảo Thông tư theo hướng: “Thông tư này áp dụng với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, các DN sản xuất hoặc nhập khẩu linh kiện cho mục đích sản xuất, lắp ráp ô tô và các tổ chức, cơ quan liên quan đến việc quản lý, kiểm tra, thử nghiệm ô tô và linh kiện ô tô cho mục đích sản xuất, lắp ráp”.

Về việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm (đánh giá COP), Nhóm công tác đề xuất chấp nhận chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 hoặc kết quả đánh giá COP được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho các nhà máy sản xuất linh kiện ở nước ngoài.

Cũng theo Nhóm công tác Ô tô/ Xe máy, các yêu cầu của Nghị định 116 đối với DN sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng từ ngày 17/4/2019. Thêm vào đó, các Giấy chứng nhận hiện nay được cấp trước thời điểm trên vẫn có giá trị 1 năm kể từ ngày cấp. Do đó, Nhóm công tác kiến nghị sửa đổi Điều 21, khoản 1 (điều khoản chuyển tiếp) theo hướng: “Giấy chứng nhận đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng để sản xuất, lắp ráp trong vòng 12 tháng kể từ ngày 17/4/2019”.

Ngoài ra, theo Nhóm công tác, mặc dù đã có một số quyết định hoặc Nghị định để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành. Tuy nhiên, thực tế không có quá nhiều nhà cung cấp có thể được hưởng theo chính sách. Đồng thời, thủ tục đăng ký, kiểm tra chất lượng xe khá phức tạp. Do đó, Nhóm công tác đề nghị Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp...

Trước đó, tháng 8 năm nay, Nhóm công tác cũng đã nói rằng một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116 và việc thực thi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ hiện nay đang khiến cho thị trường ô tô Việt Nam bất ổn. Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu (xe CBU) của các nước phát triển (ví dụ: Nhật Bản, châu Âu...) trong 6 tháng đầu năm. Hàng loạt đơn hàng xe ô tô nhập khẩu cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy. Việc hủy các đơn hàng này đe dọa tới hàng nghìn việc làm trên khắp Việt Nam, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý các hãng xe.

Xe nhập khẩu tăng mạnh

Trong khi đó theo cơ quan Đăng kiểm và Hải quan Việt Nam, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2018, chủng loại xe nhập khẩu từ ASEAN tăng lên gần 10 loại xe khác nhau, chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia.

“Tiềm năng tương lai của thị trường Việt Nam là điểm hấp dẫn. Trong 10 - 20 năm tới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nhờ thế mạnh dân số lớn và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường ô tô lớn mạnh và ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ phát triển mạnh” – ông Kinoshita nói.

Tuy nhiên, theo ông Kinoshita, để biến tiềm năng thành cơ hội đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư thì cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; ổn định từ chủ trương đến chính sách, nhất quán giữa các chính sách của các bộ, ngành; đặc biệt là cần sớm triển khai các chủ trương thành chính sách và hành động cụ thể.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN do quy mô sản xuất còn nhỏ hẹp.Quy mô sản xuất nhỏ sẽ dẫn tới việc khó có thể đẩy mạnh nội địa hóa linh kiện, là yếu tố quan trọng để giảm giá thành. Nếu đầu tư sản xuất một chiếc xe mới, cần đầu tư vào khuôn, đồ gá, chi phí đầu tư rất cao.

    Thúy Hằng

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ