A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

3 năm, 71 vụ án oan

09:38 | 04/06/2015

Từ năm 2011-2014, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 vụ án oan

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu vừa ký báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” (thời gian từ ngày 1-10-2011 đến 30-9-2014).

Hình sự hóa quan hệ dân sự

Ủy ban TVQH cho biết trong kỳ giám sát (3 năm), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 vụ án oan, chiếm 0,02%. Cụ thể: Cơ quan điều tra (CQĐT) đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, đình chỉ 12 bị can do hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội; VKS đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp TAND tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo Ủy ban TVQH, hoạt động phòng chống oan, sai của CQĐT các cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với việc để xảy ra 15 trường hợp làm oan thuộc trách nhiệm bồi thường của CQĐT, hoạt động điều tra còn bộc lộ một số hạn chế, sai phạm. Đáng chú ý, ông Uông Chu Lưu cho biết còn để xảy ra nhiều trường hợp khởi tố, không khởi tố vụ án thiếu căn cứ, trái pháp luật. VKS các cấp đã phát hiện, hủy bỏ 240 quyết định khởi tố vụ án và 116 quyết định không khởi tố vụ án; yêu cầu khởi tố 1.213 vụ án.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa, ở Bắc Giang) được tuyên vô tội sau khi ngồi tù oan 10 năm Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa, ở Bắc Giang) được tuyên vô tội sau khi ngồi tù oan 10 năm Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Theo báo cáo, còn 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2,3% số người bị tạm giữ; có nơi tỉ lệ này khá cao như các huyện Vụ Bản, Xuân Trường (Nam Định) trên 10%. VKS các cấp đã không phê chuẩn 861 người bị bắt khẩn cấp, hủy bỏ tạm giữ và không gia hạn tạm giữ 758 người. Riêng năm 2014, VKS các cấp không phê chuẩn 109 lệnh bắt khẩn cấp và không phê chuẩn gia hạn tạm giữ đối với 399 người. Nhiều trường hợp chưa đủ căn cứ hoặc không cần thiết phải tạm giam nhưng CQĐT cũng ra lệnh bắt giam, VKS các cấp đã không phê chuẩn 548 lệnh tạm giam.

Trong quản lý tạm giữ, tạm giam còn để xảy ra 78 trường hợp tự sát, 6 trường hợp chết do can phạm đánh nhau.

Ủy ban TVQH cho biết việc khởi tố bị can có những trường hợp chưa chính xác, thiếu căn cứ, tiềm ẩn nguy cơ làm oan và bỏ lọt tội phạm. Theo báo cáo, VKS các cấp đã hủy bỏ 795 quyết định khởi tố bị can, yêu cầu khởi tố 1.366 bị can, thay đổi tội danh đối với 428 bị can. Đối với loại án về kinh tế, còn có những trường hợp khởi tố không đúng với bản chất của hành vi khách quan; có biểu hiện hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và lập hồ sơ vụ án hình sự còn nhiều thiếu sót, vi phạm. Trong kỳ, có 5.156 đơn khiếu nại, tố cáo về thu thập tài liệu chứng cứ; VKS các cấp đã ban hành hơn 100.000 yêu cầu xác minh, điều tra, bổ sung chứng cứ.

Ít trọng chứng

Kết quả giám sát cho thấy CQĐT quá tin vào lời nhận tội của bị can; chưa chú trọng phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ khác ngay từ đầu (lấy lời khai người làm chứng, nhận dạng, đối chất...) nên khi bị can phản cung hoặc bị hại thay đổi lời khai thì lúng túng, quá trình điều tra lại gặp rất nhiều khó khăn. Hồ sơ vụ án thể hiện nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vi Văn Phượng (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Hoàng Thị Vấn (Cao Bằng), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Lê Bá Mai (Bình Phước).

Trong kỳ, số vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra còn nhiều với có 26.467 vụ, chiếm 12% số vụ đã khởi tố; 10.962 bị can, chiếm 3,2% số bị can. Có nơi như quận Bình Tân, TP HCM tạm đình chỉ điều tra lên tới 36,98% số vụ và 3,77% số bị can. Trong kỳ, có 4.113 vụ phải đình chỉ điều tra, chiếm 1,8% trên tổng số vụ khởi tố (khoảng 1.370 vụ/năm); có 4.925 bị can phải đình chỉ điều tra, chiếm 1,4% tổng số bị can.

Qua giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội. Chẳng hạn như: vụ Trần Văn Đề (Bình Phước) và Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban Quản lý chợ Đồng Xoài, Bình Phước).

Một số địa phương để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như các tỉnh, thành: Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắk (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người),  Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà Nẵng (2 người)…

Bức cung, nhục hình nhưng án quá nhẹ

Ủy ban TVQH cho rằng còn để xảy ra một số trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra và trong một số trường hợp chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai. Trong kỳ, có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, trong đó đã giải quyết 40 đơn. Đáng lưu ý,  đã để xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận.

Qua giám sát cho thấy nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện. Tuy nhiên, việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra...

 

Bảo Trân

    nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ