A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vẫn tiếp diễn tình trạng xâm hại rừng đặc dụng Ea Sô

13:53 | 14/03/2017

Thời gian qua, lâm tặc ở 2 tỉnh giáp ranh Gia Lai, Phú Yên ồ ạt tấn công vào rừng đặc dụng Ea Sô....

...Tình trạng này khiến môi trường sống lý tưởng bậc nhất của bò tót, bò rừng và các loài thú quý thuộc bộ móng guốc ăn cỏ còn lại ở Việt Nam đang bị đe dọa.

Đến trụ sở Ban Quản lý Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, ai cũng ấn tượng với hàng trăm chiếc xe máy độ chế của lâm tặc bị bắt giữ. Mỗi chiếc xe này có đến 12 cái phuộc nhún, 4 bộ phận phanh độc lập, 2 bộ xích líp, phần sau được nối dài để chở gỗ, có xe độ thêm cả tời để kéo gỗ. Anh Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Khu BTTN Ea Sô cho biết: “Với kiểu độ chế này, cộng thêm việc thay su-pap, đôn zên, xoáy pit-tông, mỗi chiếc xe máy có thể chở được từ 5-10 khúc gỗ cẩm, hương, trắc, cà te các loại… nặng từ 150 – 300 kg. Không chỉ tải nặng, những chiếc xe này còn dễ dàng vượt suối, dốc cao, đường rừng đá lởm chởm”. 

Cùng với xe là đủ loại súng ống, từ súng quân dụng như CKC, súng trường K44, súng phà đều có mặt trong rừng đặc dụng Ea Sô. Đáng sợ hơn cả là loại súng hoa cải có thể bắn hàng trăm viên đạn bi khiến những con thú nào rơi vào tầm ngắm của thợ săn thì khó thoát được. Các loại súng không chỉ là hiểm họa đối với thú rừng mà còn là nỗi ám ảnh của lực lượng kiểm lâm trong cuộc chiến chống lâm tặc. Nhiều cán bộ kiểm lâm đã đổ máu, phải mang thương tật suốt đời như anh Hoàng Văn Nam bị trúng 1 viên đạn CKC, anh Vương Thế Cao bị 7 viên đạn bi ghim vào khớp gối và hai ống chân, anh Nguyễn Văn Nhơn bị một số đối tượng lâm tặc hành hung cướp lại tang vật xe, gỗ, tưới xăng lên người đòi đốt… Theo anh Nguyễn Quốc Hùng, hiện lâm tặc còn giấu rất nhiều súng trong rừng Ea Sô nhưng tìm được rất khó. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô còn thu giữ và phá hủy hơn 3.500 bẫy thú, gồm nhiều loại cực hiểm như bẫy thắt cổ, bẫy đâm lao, bẫy kẹp, bẫy bò tót... Và cũng như súng, không ai biết hiện có bao nhiêu cái bẫy hiểm đang giăng mắc khắp nơi trong rừng đặc dụng Ea Sô.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã huy động tối đa lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng, nhưng do diện tích rộng, địa hình phức tạp, lâm tặc đông và manh động nên tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra. Ảnh: V. Tiếp

Trước đây, những khu rừng giáp ranh thuộc huyện Sông Hinh (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai) là “lá chắn” bảo vệ rừng đặc dụng Ea Sô nhưng những “lá chắn” này hiện chỉ còn là những cánh rừng trồng và lâm tặc đang xâm nhập vào tàn phá rừng đặc dụng Ea Sô một cách dữ dội.

Quy chế phối hợp cho phép lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô truy quét, bắt, xử lý lâm tặc tại các vùng rừng giáp ranh thuộc địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai). Chỉ về phía sông Krông H’năng, anh Trần Hữu Ước, đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động khu BTTN Ea Sô thở dài cho biết: “Rừng bên tỉnh Phú Yên đã trọc hết, dân đã trồng cao su, bạch đàn, tràm đến sát bờ sông rồi. Con sông này giúp chúng tôi bảo vệ rừng nhưng từ ngày Thủy điện Sông Hinh chặn dòng, về mùa khô có thể đi bộ qua lại. Vậy là Khu BTTN Ea Sô bị hở hẳn sườn phía đông nên các đối tượng lâm tặc từ 2 tỉnh giáp ranh Gia Lai, Phú Yên tràn sang phá rừng rất đông”.

Vào tháng 3-2016, tại tiểu khu 635, 637 có 29 cây gỗ hương nhóm IIA, đường kính từ  20-35 cm bị lâm tặc chặt hạ lấy đi. Tháng 9-2016, có 26 cây gỗ giáng hương tại tiểu khu 622 cũng bị các đối tượng lâm tặc khai thác. Hiện trường của các vụ khai thác này thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng Ea Sô, giáp ranh với huyện Krông Pa (Gia Lai). Dễ quan sát, tại khu vực mốc giới giữa rừng đặc dụng Ea Sô và rừng thuộc các xã Krông Năng, Ia Dreh của huyện Krông Pa (Gia Lai), lâm tặc đã mở vô số đường mòn, bắc nhiều cầu qua hàng chục con suối nhỏ để vận chuyển gỗ lậu. Họ khai thác cả cành, ngọn, rễ của cây cẩm. Anh Trần Hữu Ước chia sẻ: “Cành, ngọn, rễ của cây cẩm được gọi là cẩm rục chứ không phải củi. Trước đây người ta đặt quy cách cho cẩm là đường kính 20 cm trở lên, chặt đầu chặt đuôi, lớp bị mục bên ngoài không được quá dày... Nhưng về sau loại gỗ này sốt hàng, vụn cỡ nào các đầu nậu ở Gia Lai và Phú Yên cũng thu mua hết”. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Ea Sô, mỗi ngày có hàng trăm người vào vùng rừng này để tìm hương rục, cẩm rục. Không chỉ tìm hương rục, cẩm rục người ta còn cưa gốc hàng trăm loại cây khác. Gỗ chặt trộm ở đây được lâm tặc kết thành bè kéo qua sông Krông H’Năng đưa về xã Ea Ly (Sông Hinh) hoặc thả trôi xuống bến đò Hai Cả (Krông Pa). Rồi từ bến đò này, chúng lại đưa gỗ sang địa phận xã Ea Lâm (Sông Hinh), hoặc theo đường bộ về các xưởng cưa trên địa bàn huyện Krông Pa.

  Thùy Lâm

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ