A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Siết chặt quản lý, kinh doanh rượu

09:03 | 11/04/2017

Nhiều vụ ngộ độc rượu liên quan đến chất methanol xảy ra tại một số địa phương trong cả nước đã dấy lên nhiều nỗi lo trong người tiêu dùng.

Ở tỉnh ta,  dù chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc rượu methanol, nhưng cơ quan chức năng vẫn phải siết chặt việc sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn.

Chưa bao giờ, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) liên quan đến mặt hàng rượu lại được người tiêu dùng quan tâm như thời điểm này. Nhất là từ khi nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra tại các địa phương như Lai Châu, Hà Nội... và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như thời gian qua. Thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 320 triệu lít rượu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 70 triệu lít được kiểm soát chất lượng, còn lại phần lớn là do người dân tự chế biến theo phương pháp thủ công không qua kiểm tra, kiểm soát. Đáng lo ngại hơn, theo báo cáo của cơ quan y tế, gần đây đã có hiện tượng pha chế methanol (cồn công nghiệp, chỉ được sử dụng vào công nghệ làm sơn, đun nấu... có độc tính rất mạnh) trong rượu để bán cho người tiêu dùng vì mục đích lợi nhuận, gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, rượu là sản phẩm được bày bán và sử dụng khá phổ biến. Đặc biệt, rượu giá rẻ không nguồn gốc khá nhiều, rất dễ tìm mua, còn người tiêu dùng thì khó có thể phân biệt đâu là rượu đạt chuẩn hay kém chất lượng, trong khi việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công của đơn vị chức năng vẫn là khâu yếu xưa nay.

Can nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất rượu tại một cơ sở sản xuất rượu trắng tại TP. Buôn Ma Thuột  vi phạm do chưa được công bố hợp quy.

Can nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất rượu tại một cơ sở sản xuất rượu trắng tại TP. Buôn Ma Thuột vi phạm do chưa được công bố hợp quy.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở bán buôn và sản xuất rượu được sở này cấp phép, nhưng trên thực tế số hộ sản xuất, kinh doanh rượu chưa được cấp phép lớn hơn gấp nhiều lần.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu phải được cơ quan chức năng cấp phép. Theo phân cấp quản lý, Sở Công thương cấp giấy phép bán buôn rượu, giấy phép sản xuất rượu công nghiệp quy mô dưới 3 triệu lít/năm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép bán lẻ rượu và giấy phép sản xuất rượu thủ công; UBND phường, xã cấp giấy xác nhận đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất để chế biến lại… Chủ đầu tư sản xuất rượu có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ mội trường, phòng, chống cháy nổ và các quy định khác liên quan. Sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm theo quy định của Bộ Tài chính.

Quy định là vậy nhưng nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh lại không tuân thủ nghiêm túc các điều kiện trên. Qua đợt kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu trên địa bàn (hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 này) cho thấy, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm về vệ sinh ATTP trong sản xuất rượu. Cụ thể, nhiều cơ sở sử dụng vật liệu đóng chai không có giấy xác nhận công bố hợp quy, chưa có phiếu xét nghiệm mẫu rượu định kỳ theo quy định, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP hết hạn sử dụng, bóng đèn chiếu sáng tại khu vực sản xuất chưa được che chắn cẩn thận, nhiều sản phẩm rượu không thực hiện quy định về đăng ký nhãn hiệu, dán tem…

Đáng chú ý, đối với hộ sản xuất rượu truyền thống thì chưa tuân thủ các quy định đóng gói, gắn nhãn ghi tên sản phẩm, các thành phần có trong rượu. Thực tế, nhiều hộ nấu rượu thủ  công đựng trong các can, chai hoặc túi nilon để bán lẻ cho người tiêu dùng nên khó biết được chất lượng của những loại rượu này.

Liên quan đến việc kiểm soát chất methanol trong rượu, Đoàn kiểm tra cũng tiến hành test nhanh các mẫu rượu cho thấy các cơ sở sản xuất rượu cần không phát hiện nồng độ methanol trong khi một số cơ sở sản xuất rượu trắng thì có kết quả dương tính với methanol.

Để bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra thường xuyên lẫn đột xuất ATTP đối với các cở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc và truy tìm rượu chứa methanol; rượu bày bán cho khách hàng sử dụng tại các nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với các đối tượng cố tình pha chế methanol thành rượu để bán cho người tiêu dùng. Ông Nghiêm cũng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ… của các doanh nghiệp uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm định.

Duy Khôi

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ