A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần sớm làm rõ nguyên nhân các vụ phân bón nghi kém chất lượng làm tiêu chết hàng loạt

15:35 | 14/11/2017

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ việc nông dân sử dụng phân bón nghi kém chất lượng làm cây trồng rụng lá và chết hàng loạt gây xôn xao dư luận nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trước hết là vụ bón phân của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư nông nghiệp và phân bón An Thịnh (Lô 4 đường D3 Khu Công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) làm vườn hồ tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Thỉnh ở huyện Ea Kar rụng lá và chết. Sự cố xảy ra đã lâu, từ tháng 9-2016, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan thẩm quyền (UBND huyện Ea Kar) về nguyên nhân gây chết cây; chỉ biết là so với kết quả kiểm nghiệm mẫu thì nhiều thành phần dinh dưỡng thực tế của các loại phân này đều không giống như doanh nghiệp sản xuất đã công bố trên bao bì.

Sản phẩm phân bón của Công ty Humic Quảng Ngãi mà anh Ma Văn Phú đã mua và bón cho vườn tiêu của mình. Ảnh: Đ. lan

Sản phẩm phân bón của Công ty Humic Quảng Ngãi mà anh Ma Văn Phú đã mua và bón cho vườn tiêu của mình. Ảnh: Đ. Lan

Thứ hai là vụ bón phân phức hợp hữu cơ vi sinh của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi làm vườn hồ tiêu của gia đình anh Ma Văn Phú (thị xã Buôn Hồ) cháy lá và rụng. Theo  kết quả kiểm nghiệm mẫu của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh, các chỉ tiêu chất hữu cơ, đạm cũng không giống với hàm lượng ghi trên bao bì. Cơ quan chức năng căn cứ vào Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20-9-2017 về quản lý phân bón thì các sai số là "chấp nhận được" so với hàm lượng bắt buộc. Tuy nhiên, điều làm nông dân băn khoăn nhất là tại sao sau khi chính người của công ty bón loại phân này lại xuất hiện hiện tượng cháy lá ở tầm thấp, cách gốc từ 0,4 đến 0,5m, thì phía Trung tâm này từ chối lời mời về làm thực nghiệm tại vườn cây để tìm ra nguyên nhân. Lý do được đưa ra là do "điều kiện máy móc, thiết bị hiện tại không đáp ứng yêu cầu". (Trước đó, phía Trung tâm đề nghị làm thực nghiệm trên vườn cây mới có thể tìm ra nguyên nhân).

 Với cả hai vụ việc trên, các chủ vườn đã khiếu nại lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh; các doanh nghiệp liên quan cũng đồng ý hỗ trợ một phần thiệt hại nhưng cả hai hộ gia đình không chấp nhận vì mức hỗ trợ quá ít so với thiệt hại quá lớn. Có thể nói, việc chậm trễ trong xác định nguyên nhân của các vụ việc đã gây hoang mang và lo lắng cho người nông dân khi lựa chọn phân bón để canh tác. Dư luận rất mong các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vấn đề, xử lý nghiêm những cơ sở làm ăn thiếu trách nhiệm để lấy lại niềm tin về chất lượng phân bón trên thị trường.

Đỗ Lan

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ