A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống

08:33 | 14/12/2017

Để hạn chế việc xâm hại, bạo hành trẻ em, trước tiên phải quy trách nhiệm cụ thể cho một đơn vị, tổ chức- Đây là nội dung đưa ra tại hội thảo “Giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống” do Bộ LĐTB&XH;...

...  và Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức vừa qua, tại Hà Nội. 

 

Cần quyết liệt đưa Luật Trẻ em vào đời sống.

 

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bóc lột và đang có chiều hướng gia tăng.

Điều đáng nói là dù đã có hệ thống khung pháp lý khá mạnh và đầy đủ nhưng việc đưa luật vào đời sống, nhưng vẫn còn chưa hiệu quả.

Cụ thể Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại Điều 37 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Đồng thời, Luật Trẻ em sửa đổi năm 2016 với nhiều điểm mới về các nội dung: Quyền và bổn phận của trẻ em, chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em…

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết: Có tới 15 cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng thực tế khi xảy ra vụ việc không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm, xử lý. 

Cũng theo bà Hằng, mặc dù Luật Trẻ em đã được quy định cụ thể nhưng áp dụng vào cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn không chỉ từ ngoài xã hội mà ngay cả trong gia đình và nhà trường, nhiều vụ bạo hành, xâm hại các em không ai khác chính là người thân trong gia đình.

Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, việc quy trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị đã ghi rõ trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 và Nghị định 56 hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em.

Tuy nhiên, do Luật mới đưa vào cuộc sống, nên các cấp, các ngành vẫn chưa hiểu rõ. “Theo Luật Trẻ em, trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo phường sở tại, nơi xảy ra vụ việc bạo hành. Khi xảy ra vụ việc, qua hệ thống tổ chức mạng lưới chính trị, tổ dân phố phải nắm được vụ việc để xử lý. Còn khi phát hiện vụ việc thì lãnh đạo phường cùng với ngành chức năng của Sở LĐTB&XH phải lập kế hoạch hỗ trợ trẻ em bị bạo hành. Tuy nhiên việc xử lý của cơ quan chức năng đối với chính quyền cơ sở chỉ mang tính từ thiện, nhân đạo, chưa theo đúng tinh thần của Luật Trẻ em và Nghị định 56” - ông Nam nói.

Đồng quan điểm, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) cũng cho rằng, muốn xử lý các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em thì trước tiên phải quy trách nhiệm cụ thể cho một đơn vị, tổ chức.

“Vụ bạo hành trẻ em tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội trách nhiệm trước tiên theo Luật Trẻ em là cấp phường xã. Song thực tế, với các vụ bạo hành trẻ em diễn ra tại Hà Nội, chiếu theo xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 144, Hà Nội mới chỉ cách chức 1 tổ trưởng dân phố trong vụ bạo hành trẻ em tại quận Thanh Xuân cách đây khoảng chục năm. Do đó, với vụ việc bé trai bị chính cha đẻ bạo hành tại quận Cầu Giấy, cần xử lý nghiêm để làm gương” – ông Bốn nói.

Ở góc độ khác, PGS TS Bùi Thị Xuân Mai - Nguyên Trưởng khoa Công tác xã hội (Đại học Lao động Xã hội Cơ sở II) cho rằng, cần tăng mức hình phạt với người có hành vi bạo lực với trẻ em.

Cần có chế tài trừng trị nghiêm, đủ mạnh đối với những người có hành vi bạo lực với trẻ ở mọi mức độ dù nhẹ hay nặng. Bên cạnh đó, cũng cần có dịch vụ hỗ trợ họ thay đổi hành vi, nhận thức…    

Khanh Lê

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ