A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều người ôm nợ vì ham lãi suất cao

08:38 | 04/01/2018

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về các thủ tục vay vốn ngân hàng hay do ham lãi cao trong vay tiền đáo hạn ngân hàng, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bị kẻ xấu lợi dụng đẩy vào cảnh tiền mất, nợ mang.

Bà Hoàng Thị Thuý Quyên tố cáo bà H’Loan chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.

Nhờ vay hộ mất cả nhà

Để có tiền đầu tư sản xuất hơn 2 ha cà phê, gia đình bà H’Yok Byă (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) đã làm thủ tục vay ngân hàng 270 triệu đồng. Khi đến kỳ hạn phải trả, gia đình bà hết sức lo lắng vì chưa biết xoay xở đâu ra số tiền lớn như vậy. Lợi dụng sự khó khăn của bà, đối tượng Phạm Chí Thiện (trú tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ) đã đến nhà dụ dỗ bà H’Yok Byă với lời hứa sẽ lo đầy đủ các thủ tục để vay đáo hạn ngân hàng cho bà với điều kiện bà chỉ cần làm thủ tục sang nhượng 2 ha đất của gia đình cho Thiện, 5 đến 10 năm sau sẽ trả lại cho bà mà không hề tính phí. Tin lời Thiện, bà đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng. Đến nay, tiền không thấy đâu nhưng đất đai, nhà cửa thì có nguy cơ mất trắng. 

Không riêng gì bà H’Yok Byă, mà gia đình chị H’Kek Niê ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin cũng đang sống dở, chết dở khi lỡ đặt tay ký vào hợp đồng chuyển nhượng do Thiện soạn sẵn với lời hứa là sẽ lo đầy đủ thủ tục để giúp chị vay ngân hàng. Thế nhưng, sau khi ký, ông Thiện cho người đến nhà bà H’Kek yêu cầu phải dọn đi khỏi nhà vì đây là đất đai và nhà cửa chị đã bán cho ông. Bà H’Kek cho biết: Ngay sau khi làm xong thủ tục sang tên sổ đỏ của gia đình tôi, thì ông Thiện thông báo cho gia đình tôi biết do gia đình tôi được xếp vào nợ xấu nên không vay được tiền và yêu cầu gia đình phải trả cả gốc lẫn lãi. Giờ nhà này, đất này thuộc về ông Thiện nên ông yêu cầu gia đình phải dọn ra ngoài không được ở nữa. 

Do cần 50 triệu đồng để xử lý công việc, nhưng không biết vay mượn ai, ông Y Hrah Niê (trú tại  buôn Cưm Blim, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) qua một số người giới thiệu đã quen biết bà N.T.K.L. Với lời hứa bà L. sẽ làm thủ tục vay giúp ông Y Hrah Niê vay tiền. Ông Y Hrah Niê đã giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 9.000m2 cho bà N.T.K.L. để nhờ vay 50 triệu đồng. Cầm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Y Hrah, bà L. gọi ông đến văn phòng công chứng Đại An để ký giấy tờ và bảo về chờ một vài hôm sẽ có tiền. Tuy nhiên, sau đó bà L. đã cắt đứt luôn liên lạc. Hiện thửa đất của ông Y Hrah Niê đang được sang tên và chuyển nhượng cho người khác. 

Tiền mất, nợ mang

Tin tưởng bà H’Loan Aliô (48 tuổi, ở xã E Nhuôn, huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk) là người làm ăn uy tín nhiều lần vay tiền đáo hạn ngân hàng xong trả cả gốc và lãi sòng phẳng, bà Trần Thị Minh (trú tại  buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã đưa cho bà H’Loan vay 3 tỷ đồng với lãi suất 2 nghìn đồng/1 triệu/ ngày. Tuy nhiên sau khi cầm số tiền tỷ của bà Minh, bà H’Loan đã không thực hiện những cam kết như ban đầu. Bà H’Loan không lấy tiền này đi đáo hạn ngân hàng mà sử dụng cá nhân. Khi bà Minh đòi số tiền trên, thì H’Loan tìm mọi cách né tránh.

Bà Hoàng Thị Thuý Quyên ở buôn K’Đung, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn nói trong nước mắt: “Do quá tin bà H’Loan vì nhiều lần mượn tiền và trả rất uy tín. Tôi đã đi vay của nhiều người đưa tiền cho bà H’Loan với số tiền 2 tỷ 10 triệu đồng. Sau khi bà H’Loan vỡ nợ, tôi bị chủ nợ tới siết hết đồ trong nhà. Giờ gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn”.

Sau khi bị lừa, những bị hại trên đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2016, một số hộ dân cùng xã đã nhờ H’Loan bỏ tiền ra đáo hạn ngân hàng giúp, sau khi ngân hàng cho họ vay lại thì bà Loan sẽ lấy lại tiền cộng với lãi suất 3 đến 4 nghìn đồng/1 triệu/ ngày. Để có tiền giúp các hộ dân đáo hạn ngân hàng, H’Loan đã đi mượn của nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Ea Nuôl với lãi suất thấp hơn nhằm lấy chênh lệch.

Tuy nhiên, trong quá trình làm đáo hạn có trường hợp nợ xấu, ngân hàng không giải ngân cho vay lại ngay nên H’Loan không lấy được tiền trả cho những người đã vay trước đó, dẫn đến khoản nợ ngày càng nhiều. Do bị đòi nợ gắt gao, H’Loan đã vay của bà Trần Thị Minh số tiền trên 3 tỉ đồng với lãi suất 2 nghìn đồng/1 triệu/ ngày.

Sau khi có tiền, H’Loan đã mang đi trả nợ và sử dụng vào mục đích khác. Tại cơ quan công an, H’Loan còn khai nhận, cũng với thủ đoạn trên, đã lừa mượn của 7 người khác với tổng số tiền trên 4,8 tỷ đồng. Qua điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đầu tháng 12/2017 đã bắt giữ đối tượng H’Loan về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Thiếu tá Hà Xuân Long, Đội phó Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo các hộ dân ở thôn, buôn cần lưu tâm cảnh giác với chiêu trò vay mượn tiền trả lãi cao để đi đáo hạn ngân hàng để tránh bị lừa đảo.  

 Nguyễn Tuấn An

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ