A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lắp hộp đen chỉ để... đối phó

10:25 | 10/01/2018

Theo luật định, kể từ ngày 1-7-2013, xe khách, xe tải kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động, sẽ bị xử phạt 2 - 3 triệu đồng/lần vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải gắn hộp đen chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. 
Ngắt kết nối… liên tục 
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, trong năm 2017, có hàng ngàn trường hợp xe khách, xe tải do TP quản lý vi phạm về lỗi (hộp đen) không truyền dữ liệu 7 trong ngày liên tiếp/tháng. Thậm chí, có hàng trăm trường hợp cả tháng không kết nối hộp đen, như xe của các chi nhánh Công ty TNHH TMDV Việt Úc, Công ty Việt Thắng, Công ty TNHH Huy Việt Tây Đô. Tình trạng vi phạm này cũng diễn ra với hơn 3.700 trường hợp xe đầu kéo container. 
 

Hộp đen gắn trên một phương tiện kinh doanh vận tải. Ảnh: CAO THĂNG
Nhằm chấn chỉnh và xử lý tình trạng này, Sở GTVT cho biết thường xuyên truy cập vào hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ để kiểm tra hoạt động của các phương tiện thuộc phạm vi quản lý của sở. Nếu phát hiện phương tiện nào chạy quá tốc độ cho phép, hoặc ngắt tín hiệu đường truyền, sở sẽ có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải có xe vi phạm, yêu cầu khắc phục; nếu tháng sau vẫn tái phạm thì sẽ xử lý theo quy định tại Thông tư 10 của Bộ GTVT. Cụ thể, khi những đơn vị này làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh vận tải, Sở GTVT sẽ trả hồ sơ, không cấp phù hiệu. Chỉ đến khi các xe thực hiện việc kết nối tín hiệu đường truyền, sở mới xem xét cấp phù hiệu trở lại. 
Theo Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT TPHCM Phạm Đình Đức, trong số hàng ngàn xe vi phạm lỗi không truyền dữ liệu trong 7 ngày liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP, có rất nhiều trường hợp ngắt kết nối để “chạy quá tốc độ”. Thế nhưng, số phương tiện vi phạm bị đình chỉ hoạt động rất ít. Vì theo quy định, các phương tiện chỉ bị thu hồi phù hiệu xe nếu vi phạm lần thứ 2 (lần đầu chỉ bị nhắc nhở). Các phương tiện thường “canh me” quy định này để tránh bị đình chỉ hoạt động.
Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho rằng, các quy định về xử lý vi phạm qua hộp đen (tốc độ, hành trình…) chỉ mới áp dụng cho chủ xe, doanh nghiệp (như thu hồi phù hiệu, thu hồi giấy phép hoạt động vận tải…), trong khi lái xe là các chủ thể trực tiếp gây ra lỗi vi phạm lại chưa có chế tài xử phạt, nên không đủ sức răn đe.
Gắn cho có
Theo Quy chuẩn VN31 của Bộ GTVT, tất cả ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, xe buýt, xe vận tải hàng hóa bằng container phải hoàn thành lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình. Các phương tiện vận tải phải kiểm định 6 tháng/lần, nếu hộp đen hoạt động tốt thì đựợc cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu xe. Cơ quan đăng kiểm sẽ không kiểm định cho ô tô chưa gắn hộp đen. Xe lưu thông trên đường không gắn hộp đen sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt vì không đủ tiêu chuẩn lưu hành. 
Việc quản lý phương tiện vận tải qua thiết bị giám sát hành trình đã phần nào kiềm chế được hành vi chạy quá tốc độ của các lái xe, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.
Ngoài những tính năng cơ bản như giám sát lộ trình, tốc độ và hành vi lái xe, công năng của hộp đen hiện nay đã tích hợp được thêm nhiều ứng dụng quản lý khác. Cụ thể, với những loại xe tải như container, xe đông lạnh..., doanh nghiệp có thể quản lý, giám sát hàng hóa trên xe qua cảm biến giám sát gắn trong hộp đen, hạn chế tối đa tình trạng mất cắp hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Với xe khách, tình trạng nhồi nhét, chở quá số người quy định cũng được giám sát qua công nghệ chụp hình ảnh và cảm biến hồng ngoại gắn ở cửa lên/xuống xe, giúp chủ xe có thể theo dõi và điều chỉnh ngay vi phạm của lái xe.
Ngoài ra, quản lý qua hộp đen, các đơn vị vận tải cũng nâng cao trách nhiệm, tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chạy cẩn trọng hơn. Thiết bị cũng giúp cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng khi kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm về tốc độ, hay thời gian lái xe theo quy định... 
Tuy nhiên, theo đại diện một số đơn vị sản xuất hộp đen, đến nay vẫn còn hiện tượng nhiều chủ xe, doanh nghiệp vận tải không chịu nộp phí thuê bao mà chỉ gắn hộp đen để đối phó với lực lượng kiểm tra.
Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết, thông qua các dữ liệu ghi nhận từ hộp đen gắn trên xe buýt, trung tâm đã trích xuất hơn 400 trường hợp vi phạm để xử phạt (phạt nguội) các lỗi như bỏ trạm, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh, vượt ẩu…

QUỐC HÙNG

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ