A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đau lòng nạn buôn bán người (kỳ 1): Thủ đoạn của những kẻ buôn người

14:42 | 10/01/2018

Để đẩy lùi loại tội phạm này, các cấp ngành, đoàn thể, địa phương... cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như đời sống cho người dân.

Thời gian qua, tình trạng tội phạm buôn bán người trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn biến phức tạp. Nhiều người phụ nữ đã phải sống trong cảnh ê chề, tủi nhục sau khi bị kẻ gian lừa bán sang nước ngoài....

Nạn nhân D (bên phải) may mắn thoát khỏi bàn tay của bọn tội phạm buôn người

Nhiều phụ nữ "sập bẫy"

Hồ sơ các vụ án buôn bán người cho thấy, tội phạm này đa phần có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh thành khác tìm đến địa bàn tỉnh, cấu kết với đối tượng tại địa phương để thực hiện âm mưu buôn bán người. Chúng tìm đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ, lừa gạt những phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin.

Năm 2012, Lưu Thị Ngọc Hiền có quen biết với bà B.T.M.K sau lần bà K xuống thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tiễn con gái sang Malaysia làm việc. Sau đó, Hiền liên tục điện thoại cho bà K trao đổi về việc tìm phụ nữ tuổi đời dưới 25, có ngoại hình đẹp để đi xuất khẩu lao động ở Malaysia.

Đến ngày 9/10/2012, có hai người cháu của bà K là B.T.H và N.T.H (cùng SN 1992, trú tại thị xã Gia Nghĩa) đến nhà chơi và hỏi về công việc, thu nhập của con gái bà K tại Malaysia. Khi thấy bà K trả lời con gái mình ở bên đó công việc tốt, thu nhập cũng được thì cả hai cô gái nhờ bà K giới thiệu đi xuất khẩu lao động. Sau đó, bà K điện thoại giới thiệu cho Hiền về 2 đứa cháu. Hiền dặn bà K bảo 2 cháu đi làm hộ chiếu rồi dẫn xuống TP.HCM.

Sau khi làm xong hộ chiếu, sáng ngày 27/10/2012, bà K đưa hai người cháu xuống TP.HCM gặp Hiền tại bến xe Miền Đông. Chiều hôm đó, Hiền cùng Asnawy (người Malaysia) tới gặp bà K rồi gọi một chiếc taxi chở mọi người về khách sạn ở. Đến tối 27/10/2012, Lê Văn Nhí (SN 1990, tên thường gọi là Châu), quê ở An Giang tới để hỏi tuổi, số hộ chiếu nhưng thực chất là để xem mặt và ngoại hình của hai cô gái cháu bà K. 

Khi xem mặt xong, Châu điện thoại, nhắn tin số hộ chiếu của N.T.H và B.T.H cho Nguyễn Thị Bích Chi (sống tại Malaysia) để Chi mua vé máy bay. Sau đó, Châu đưa cho Hiền 2 triệu đồng rồi rời khỏi khách sạn. Chiều ngày 29/10/2012, Hiền bắt taxi đưa N.T.H và B.T.H ra sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường đi, Asnawy ghé vào quán cà phê gặp Châu nhận tiền còn Hiền đưa hai cô gái giao cho Farid Bin Abdullad (người Malaysia) để làm thủ tục xuất cảnh. Khi Farid Bin Abdullah cùng hai nạn nhân làm xong thủ tục và vào phòng chờ bay thì bị bắt. Qua đấu tranh, các đối tượng khai định đưa N.T.H và B.T.H đi Malaysia để bán vào các hộp đêm.

Ở một vụ án khác, sáng 4/8/2014, chị S.T.S (SN 1994), ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) đến cửa hàng bán tạp hóa của Hoàng Thị Váng, trú cùng địa phương để mua hàng. Tại đây, S kể với Váng về cuộc sống khó khăn, vất vả.

Váng nói với S: “Chị thấy mấy người đi lấy chồng Trung Quốc sống sung sướng, em muốn lấy chồng Trung Quốc thì chị đưa đi”. Tin lời Váng, S đồng ý sang Trung Quốc lấy chồng. Sau đó, Váng đã đưa cho S một chiếc điện thoại di động để liên lạc và hẹn mấy hôm nữa sẽ đi sang Trung Quốc. S về nói lại chuyện mình sắp lấy chồng Trung Quốc, sẽ có cuộc sống sung sướng với L.T.X (SN1989), trú cùng xã Đắk R’măng.

Nghe vậy, sáng 6/8/2014, X đến nhà của Váng và kể lể về hoàn cảnh gia đình của mình. X cho biết, mình có hai đời chồng, 4 đứa con nhưng không hạnh phúc vì chồng hay đánh đập. Do đó, X muốn Váng cho đi cùng với S. Thấy vậy, Váng nảy sinh ý định đưa cả X và S giao cho Hoàng Văn Chính (cháu họ của Váng ở Lào Cai) để Chính bán sang Trung Quốc.

Sáng 9/8/2014, Váng bắt xe đưa X và S ra Hà Nội gặp Chính. Khi X và S đến bến xe Mỹ Đình, Chính cùng một người phụ nữ ra đón. Sau đó, Chính và người phụ nữ đi cùng (chưa rõ nhân thân, lai lịch) đưa X và S về thành phố Lào Cai. Khi đến Lào Cai, Chính cùng một người phụ nữ khác đưa X và S đi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Đến trưa ngày 12/8/2014, Chính đã bán X và S cho 4 người đàn ông Trung Quốc (chưa xác định được số tiền). Sau khi bán X và S cho người Trung Quốc, sáng ngày 13/8/2014, Chính gọi điện thoại cho Váng hẹn gặp nhau trước cổng bến xe thành phố Lào Cai để giao tiền. Tại đây, Váng đã nhận 12 triệu đồng từ Chính. Đến ngày 13/10/2014, chị S từ Trung Quốc trốn chạy về Việt Nam và đã đến Công an huyện Đắk Glong tố cáo hành vi mua bán người của Váng và Chính.

Gần đây hơn, đầu tháng 7/2017, Sùng Seo Xá (SN 1992), thường trú tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã đến xã Đắk R’măng (Đắk Glong), với mục đích lừa phụ nữ để bán sang Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, Xá lấy tên là Sùng A Pó để tiếp cận và làm quen với em G.T.D (SN 2001), trú tại thôn 6, xã Đắk R'măng.

Sau một thời gian tán tỉnh, Xá đã chiếm được lòng tin của em D. Để thực hiện âm mưu đen tối của mình, tối 20/7/2017, Xá đến gặp bố mẹ của D và ngỏ ý xin được cưới thiếu nữ người Mông này về làm vợ. Tiếp theo, Xá xin phép được đưa D về Lào Cai ra mắt bố mẹ của mình. Trước thiện chí của Xá, bố mẹ D đã đồng ý để cho con gái của mình đi theo Xá về ra mắt nhà trai. Ngay trong đêm, Xá cùng em D đón xe đi Lào Cai.

Khi đến bến xe tỉnh Lào Cai, Xá liên lạc với một người tên Hồng (chưa rõ nhân thân, lai lịch) đến chở Xá và D đến khu vực biên giới thuộc xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) để gặp một người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc. Tại đây, Hồng là người trực tiếp giao dịch với người đàn ông Trung Quốc để bán D. Theo thỏa thuận, nếu bán được D, Hồng sẽ đưa cho Xá từ 10 - 15 triệu đồng. Rất may, D đã phát hiện được sự việc và trốn thoát. Tiếp nhận thông tin từ D, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và bắt giữ Xá.

Những con số... nhức nhối

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, thời gian qua tình hình tội phạm buôn bán người diễn biến khá phức tạp. Qua đấu tranh, lực lượng chức năng đã phát hiện một số đường dây buôn bán người qua Trung Quốc, Malaysia, vào động mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.

Giai đoạn 2011-2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra khoảng 20 vụ buôn bán người. Qua các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định có 39 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 6 nạn nhân bị bán sang Malaysia. Theo thống kê của Công an tỉnh, kể từ năm 2011 đến nay mới chỉ có 14 nạn nhân bị bán ra nước ngoài được giải cứu hoặc trốn thoát về với gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông đang có khoảng 80 phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương, nhưng gia đình và chính quyền không liên lạc được. Trong số này, có 29 người đủ căn cứ để xác định bị bán, số còn lại vẫn chưa xác định được nguyên nhân vắng mặt.

Bài, ảnh: Phan Tuấn

 

    Nguồn "Đắk Nông Điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ