A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk: Vẫn nóng nạn phá rừng và lấn chiếm đất

08:23 | 23/01/2018

Mặc dù các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện đóng cửa rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng,...

...  thế nhưng sự buông lỏng quản lý của các dự án nông lâm nghiệp nhận khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng là nguyên nhân chính khiến cho việc phá rừng và lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra.

Gỗ và phương tiện bị lực lượng chức năng thu giữ.

Nhiều nơi vẫn để mất rừng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn có hơn 720.000 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 526.000 ha, độ che phủ rừng đạt hơn 39,3% (tính cả cây cao su). Rừng được giao cho 15 công ty lâm nghiệp, 7 ban quản lý rừng đặc dụng, 4 ban quản lý rừng phòng hộ, 69 doanh nghiệp có chức năng quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, khoanh nuôi bảo vệ rừng và 1 phần giao cho UBND cấp huyện, cấp xã quản lý.

Mặc dù các diện tích rừng đã được giao khoán cho các đơn vị quản lý, bảo vệ cũng như thực hiện các dự án nông lâm nghiệp, thế nhưng tình trạng phá rừng vẫn khó kiểm soát. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.407 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 2.441,7 m3 gỗ và 717 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 18,8 tỷ đồng. So với năm 2016, số vụ vi phạm lâm luật giảm 217 vụ, tuy số vụ giảm, nhưng những vụ phá rừng với quy mô lớn và táo bạo vẫn diễn ra.

Tại huyện Ea H’leo, trong năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 165 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 280 m3 gỗ các loại, xử phạt hành chính 385 triệu đồng. Điển hình là vụ phá rừng quy mô lớn được phát hiện  ngày 21/11/2017, tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo). Tại đây lực lượng chức năng đã thu giữ các phương tiện phá rừng và hơn 45 m3 gỗ do các đối tượng bỏ lại. Theo nhận định của cơ quan chức năng, đây là vụ phá rừng có quy mô lớn ở Đắk Lắk và có dấu hiệu tổ chức, tiếp tay cho việc phá rừng tự nhiên.Trước đó, 17/8/2017, tại Tiểu khu 734 (xã Ea M’đoan, huyện M’Đrắk) do Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu quản lý, lực lượng chức năng phát hiện có 2 điểm tập kết gỗ với 171 phách gỗ có khối lượng 30,341 m3. Ngày 4/12/2017, tại khoảnh 2 và 3, Tiểu khu 758 (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk), Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu tiếp tục phát hiện một vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra, với tổng diện tích rừng bị phá 6,581 ha, mức độ thiệt hại 100%...

Là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên hơn 106.000 ha, Buôn Đôn luôn là điểm nóng về tình trạng phá rừng từ trước đến nay. Theo thống kê của UBND huyện Buôn Đôn, chỉ tính riêng trong 5 năm, từ (2012-2016) lực lượng chức năng huyện đã phát hiện 4.311 vụ vi phạm lâm luật.   

Nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm

Theo báo cáo số 227 ngày 22/8/2017 của UBND huyện Buôn Đôn, đến nay 6 đơn vị tiến hành rà soát, thống kê có đến 2.092 ha rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm cần phải thu hồi và 53 công trình (nhà tạm, lán, chòi rẫy) cần giải tỏa. Trong đó, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn từ năm 2008 đến nay đã có 279,7 ha diện tích rừng bị 142 hộ phá, lấn chiếm nằm trên 8 tiểu khu.  

Diện tích đất rừng bị lấn chiếm nhiều nhất thuộc về các dự án nông lâm nghiệp, điển hình như Công ty TNHH SX-XNK lương thực Bình Dương, năm 2011 được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 779,8ha đất tại tiểu khu 527, 533 thuộc xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn để cải tạo trồng rừng, quản lý rừng. Thế nhưng 6 năm nay, dự án này vẫn bất động, trong khi đó diện tích rừng và đất rừng đã bị xâm lấn gần hết. Khi giao đất rừng và rừng, diện tích còn rừng nghèo hơn 200 ha, nhưng đến nay diện tích này đã bị 332 hộ lấn chiếm 644 ha. Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Nguyên năm 2008 được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 244,5 ha để thực hiện dự án trồng rừng kinh tế bằng cây cao su, thế nhưng đến nay, hơn 98 ha đã bị các hộ dân xâm lấn làm nương rẫy.

Tại huyện Ea Súp, chỉ tính riêng trong năm 2017, trên địa bàn huyện đã có 250 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Ông Nguyễn Văn Đông- Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, để rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn, mới đây Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp đã ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, đảng viên kê khai diện tích đất lâm nghiệp đang sử dụng. Qua sà soát có hơn 1.200 người đang chiếm dụng đất rừng với tổng diện tích hơn 2.000 ha.

Phấn đấu đạt 39,6% tỷ lệ che phủ rừng

Tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa 9, nội dung giám sát chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Ông Y Si Thất Ksor, đại biểu huyện Buôn Đôn cho rằng, vấn đề quản lý rừng hiện nay dường như chỉ còn trên giấy, vì thực tế rừng không còn, đất rừng thì bị lấn chiếm. Vì vậy để chấn chỉnh tình trạng này cần quy trách nhiệm cụ thể của các cơ quan và người đứng đầu.  

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk cho rằng, rừng và đất rừng là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với tình trạng chuyển đổi đất rừng nghèo sang thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp không hiệu quả, đặc biệt là trồng cây cao su, việc tận thu gỗ diễn ra nhiều năm nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường.

Ngoài ra, tình trạng buông lỏng quản lý, cơ chế chính sách chưa phù hợp, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe cũng đang tạo kẽ hở cho các chủ rừng vi phạm. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thượng Hải, huyện Cư Mgar kiến nghị để giữ rừng thì cần kiên quyết xử lý nghiêm các chủ rừng để mất rừng.  

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thời gian tới UBND tỉnh sẽ xây dựng cơ chế chính sách cho lực lượng được giao quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó sẽ phát huy vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ rừng. Từng bước làm tốt công tác bảo vệ rừng để đạt mục tiêu độ che phủ rừng đạt 39,6% như Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.    

Nguyễn Tuấn Anh

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ