A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cà phê “pin” có thể làm hỏng nội tạng và thần kinh

16:08 | 19/04/2018

Vụ sử dụng lõi pin để làm đen cà phê bị phát hiện tại tỉnh Đắk Nông mới đây một lần nữa dấy lên những lo ngại về vấn đề thực phẩm bẩn tái diễn trở lại ở mức độ nhức nhối hơn.

Cơ sở kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị bắt quả tang hành vi dùng dung dịch nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê

Rất độc hại

Trả lời câu hỏi liệu sử dụng pin hóa học làm phụ gia cho cà phê có độc hại không, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về an toàn thực phẩm thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, chưa cần đặt vấn đề bột pin có độc hại không, nguy hại như thế nào mà chỉ cần đặt câu hỏi là từ trước đến nay có ai dám ăn pin không, bởi nó là thứ hóa chất độc hại. Vì vậy, vị chuyên gia thực phẩm này cho rằng cơ quan chức năng phải xử lý nhanh chóng, thật nghiêm minh và công bố rộng rãi cho dư luận được biết đối với cơ sở sản xuất này.

Còn theo PGS-TS Trần Hồng Côn, thuộc khoa Hóa học (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, tạo ra màu đen. Việc trộn pin với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc. “Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể” - PGS-TS Trần Hồng Côn cho biết.

Mặc dù mangan không có khả năng hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư song cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản vì có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm mangan này.

Theo TS Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các kim loại nặng ở trong pin như: chì, thủy ngân, mangan... khi xâm nhập cơ thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng  đến trí tuệ, hệ tim mạch, xương, máu. Khi kim loại nặng vào cơ thể sẽ phân bố đến tất cả cơ quan, tùy theo lượng hấp thu nhiều hay ít mà thể hiện các triệu chứng khác nhau, nhưng dễ thấy nhất là những triệu chứng về thần kinh. Trong đó, tác động đến thần kinh là rõ ràng nhất, như ở người trẻ thì ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, ở người lớn là các bệnh mãn tính như parkinson, thoái hóa não. Ngoài ra còn ảnh hưởng cả não, tim, phổi, thận, suy gan. 

TS Đặng Thị Xuân cũng cho biết, nơi tích lũy kim loại nặng  khi vào cơ thể còn là gan, thận, não rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu. Khi cơ thể tích lũy một lượng đáng kể sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc như: hơi thở hôi, sưng lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây sẩy thai ở phụ nữ có thai. Trong khi đó, thực tế điều trị, ngộ độc kim loại nặng luôn là vấn đề rất khó khăn bởi những tác hại nguy hiểm của nó đến sức khỏe.

Đủ căn cứ để khởi tố 

Trong khi đó, cơ sở sơ chế cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan tại thời điểm kiểm tra chỉ xuất trình được giấy phép thu mua nông sản do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp, không hề có giấy phép chế biến nông sản. Theo giấy phép của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Loan sinh ngày 1-4-1975, hộ khẩu thường trú tại thôn 13, xã Đắk Wer và chứng minh nhân dân cấp ngày 1-4-2016. Ngành nghề kinh doanh của bà Loan là thu mua nông sản, vốn kinh doanh 1 tỷ đồng và đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 19-8-2016 (đăng ký thay đổi lần thứ nhất vào ngày 31-10-2017).

Đây là một cơ sở chế biến có quy mô khá lớn, tại thời điểm lực lượng chức năng vào kiểm tra, vẫn còn hàng chục tấn cà phê ở kho. Cà phê sau khi sơ chế, trộn bột pin “Con Ó” được bán đi các thành phố lớn.

Đề cập tới việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 18-4, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Cũng theo ông Tiệp, do việc cơ sở này sử dụng pin để tạo màu cho cà phê nên có thể coi đây là việc sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm, nông sản. Vì vậy, nếu căn cứ theo Nghị định 178 của Chính phủ thì có thể xử phạt với mức phạt 70-100 triệu đồng, đồng thời tịch thu và tiêu hủy toàn bộ tang vật. Cụ thể, khoản 3 Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định như sau: Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. 

Thậm chí, mức phạt tiền có thể bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều 7 nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 3 điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm…Tuy nhiên theo ông Nguyễn Như Tiệp, ngoài bị xử phạt hành chính, nếu căn cứ Bộ luật Hình sự sửa đổi thì có thể phạt tiền từ 50-200 triệu đồng và phạt tù 1-5 năm. 

Ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định, vụ trộn pin vào cà phê đủ căn cứ để khởi tố theo Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đề nghị cơ quan điều tra xử lý nghiêm vụ trộn lõi pin vào cà phê ở Đắk Nông, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết. Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện một đợt tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê khác để chấn chỉnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất kinh doanh cà phê và sẽ xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm.

PHÚC HẬU

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ