A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chặn sim rác mới là minh bạch

07:49 | 26/04/2018

Muốn dẹp sim rác thì phải ngăn chặn tình trạng ồ ạt bán sim rác lấy doanh thu chứ không nên bắt khách hàng bổ sung hình chân dung

Việc phải ồ ạt, chen lấn đi bổ sung hình chân dung trong những ngày qua khiến nhiều người ngán ngẩm, mệt mỏi. Còn các chuyên gia thì cho rằng bổ sung hình chân dung là thừa. Vấn đề là phải ngăn chặn từ gốc rễ việc mua bán tràn lan sim kích hoạt sẵn.

Phát hiện mình có nhiều sim khác

Chen chân đi bổ sung ảnh chân dung, thông tin cá nhân cho nhà mạng theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, nhiều người đã phát hiện những chuyện "động trời" liên quan đến chiếc sim của mình sở hữu.

Người dùng phải vất vả đi bổ sung hình chân dung, thông tin cá nhân Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chị T.T.T.M (quận 7, TP HCM) kể: "Không nghe nhà mạng nhắn tin bổ sung nhưng tôi vẫn nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi 1414 để kiểm tra thử. Tin nhắn trả lời từ tổng đài làm tôi phát hoảng vì họ báo tôi còn sở hữu một số điện thoại lạ hoắc nào đó, ngoài số mà tôi đang sử dụng. Từ xưa đến giờ, tôi chỉ sử dụng một số duy nhất nhưng sau giờ lại sở hữu thêm số khác, lại phải đi điều chỉnh?". Cũng nghi ngờ và kiểm tra cho chắc ăn, anh Nguyễn Văn Tiến (quận Gò Vấp, TP HCM) thì tá hỏa khi thấy website của nhà mạng báo sim của anh được một người nào đó ở Đà Nẵng đứng tên sở hữu.

Rất nhiều người cũng phản ánh trên Facebook tình trạng tương tự. Ai cũng cho rằng toàn bộ thông tin cá nhân nằm trong tay nhà mạng và đã xảy ra rò rỉ thông tin của người dùng khiến cho kẻ xấu lợi dụng để tạo ra sim rác, tin nhắn rác.

Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ ngày 28-10-2016, 5 doanh nghiệp (DN) viễn thông đã thỏa thuận, thống nhất ký bản cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối của các DN viễn thông di động dưới sự chứng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau gần 1 năm triển khai bản cam kết này, tổng số thuê bao có dấu hiệu nghi vấn là hơn 28 triệu. Sau đó có khoảng 4 triệu sim thuê bao đã đi đăng ký lại thông tin (sau khi nhận được thông báo từ DN viễn thông) hoặc đã bị hủy, khóa (do hết hạn sử dụng).

Sim rác là từ nhà mạng

Một chuyên gia viễn thông tại TP HCM nhận định: "Người dùng đã cung cấp thông tin về CMND là đã đủ. Trên CMND đã có đầy đủ hình ảnh, các thông tin khác và đã được lưu trữ bên công an là đã bảo đảm chuẩn xác. Thêm hình chân dung không phải là giải pháp để kiểm soát thông tin cá nhân hay để chặn sim rác. Nguyên nhân chính của nạn sim rác là do các đại lý, nhà mạng đã sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để đi kích hoạt thêm hàng loạt sim khác (sim kích hoạt sẵn). Những sim kích hoạt sẵn này được kẻ xấu sử dụng để phát tán tin nhắn rác khắp nơi. Nên nếu muốn trị tin nhắn rác thì phải ngăn chặn được sim rác kích hoạt sẵn và bảo đảm thông tin của người dùng được bảo mật, không bị sử dụng tràn lan. Các đại lý, nhà mạng vì lợi nhuận, chạy theo doanh số đã trục lợi thông tin cá nhân của người dùng khiến sim rác xuất hiện tràn lan, gây nên hậu họa cho người dùng".

Nhà mạng thông báo không rõ ràng

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), tại khoản 7, điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định rõ: "Việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các cá nhân sử dụng số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng viễn thông di động thực hiện như sau: a. Đối với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử xác nhận thông tin thuê bao. Bản xác nhận thông tin thuê bao bao gồm toàn bộ các thông tin thuê bao được quy định tại điểm a và điểm b hoặc điểm c, khoản 5 điều này; b. Đối với số thuê bao thứ tư trở lên, thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với DN viễn thông di động. DN viễn thông di động phải kiểm tra, giám sát, bảo đảm các số thuê bao đó được sử dụng theo đúng quy định tại điểm b, điểm d khoản 9 điều này".

Điểm đ khoản 5 điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định: "Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).

 

Như vậy, đối với số thuê bao thứ tư trở lên thì chủ thuê bao phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với DN viễn thông và phải cung cấp ảnh chụp. Việc DN yêu cầu người dùng chỉ có 1 sim phải bổ sung ảnh chụp cá nhân là không đúng quy định của Nghị định 49 vì họ không thuộc trường hợp phải ký hợp đồng mà chỉ phải ký vào bản xác nhận thông tin thuê bao. Vì vậy, chiếu theo những điều khoản khác của Nghị định 49 thì việc đăng ký hình ảnh đối với thuê bao trả sau các nhà mạng đã có sai phạm trong việc thực hiện, không đúng với quy định pháp luật mà cụ thể là Nghị định 49 chỉ áp dụng đối với sim thứ 4 mới phải đăng ký ảnh chụp. Nhà mạng thông báo không rõ, không minh bạch khiến cho người sử dụng gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng về bí mật đời tư.

Việc đánh đồng sim 1 hay sim thứ 4 đều phải đăng ký ảnh chụp với nhà mạng là động thái của nhà mạng nhằm khắc phục tình trạng sim rác. Nghĩa là mọi người buộc phải đi đăng ký thì nhà mạng mới có cơ sở để cập nhật lại sim chính chủ. Những sim không đăng ký hình ảnh sẽ bị hủy. Tuy nhiên, nếu người sử dụng khiếu nại thì nhà mạng sẽ bị sai phạm, do vậy cần phải xem xét lại tránh trường hợp lừa dối người tiêu dùng trong việc không minh bạch và thiếu sót trong việc áp dụng quy định pháp luật. 

Không cắt thuê bao vì chưa đăng ký

Chiều 25-4, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Viễn thông khẳng định: "Thời điểm này không có chuyện cắt liên lạc của các thuê bao di động chưa đăng ký thông tin theo Nghị định 49".

Theo Nghị định 49, ngày 24-4-2018 là thời điểm cuối cùng để người dùng di động bổ sung thông tin thuê bao và đăng ký sim chính chủ. Đây cũng là khoảng thời gian đánh dấu tròn 12 tháng kể từ ngày Nghị định 49 có hiệu lực. Theo đó, nhà mạng phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu đúng theo quy định, trong đó có các yêu cầu nhằm bảo đảm tính xác thực của người chủ thuê bao.

Tuy nhiên, về hạn cuối ngày 24-4, nhiều nhà mạng khẳng định sẽ chỉ khóa liên lạc nếu chủ thuê bao không bổ sung thông tin sau 5 ngày liên tiếp nhận được tin nhắn thông báo. Đại diện VinaPhone cho biết sẽ tiếp tục bổ sung thông tin thuê bao cho khách hàng như đã thông báo. Người dùng không nên lo lắng vì VinaPhone chỉ cắt liên lạc sau 5 lần thông báo. Đại diện MobiFone khẳng định các thuê bao không nhận được tin nhắn có thể yên tâm sẽ không bị nhà mạng này khóa số trong hôm nay."Với các thuê bao nhận được thông báo, phải 5 ngày liên tiếp như vậy thì sau đó thuê bao mới bị khóa một chiều. Điều này được thực hiện theo đúng quy trình được đưa ra của Nghị định 49" - đại diện MobiFone cho biết.

Trước đó, theo thông tin từ Cục Viễn thông, trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu bổ sung thông tin thuê bao, nhà mạng sẽ khóa một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu gửi thông báo. Chủ thuê bao sẽ bị khóa 2 chiều nếu không bổ sung thông tin trong 15 ngày tiếp theo. Sau 30 ngày kể từ khi khóa 2 chiều, nếu chủ thuê bao vẫn không chấp hành, nhà mạng sẽ thanh lý hợp đồng và chấm dứt cung cấp dịch vụ.

Theo đại diện Cục Viễn thông, quy định như vậy không có nghĩa là sau ngày 24-4, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo. Trong trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo, trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về DN và DN không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.

Cục Viễn thông cho biết sau thời điểm ngày 24-4, bất kỳ lúc nào, cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhà mạng nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định. DN sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm có thể phát sinh liên quan đến thông tin thuê bao không tuân thủ đúng quy định.

Cục Viễn thông đánh giá thời gian qua, các DN chưa thực sự nghiêm túc và cố gắng triển khai việc rà soát, cập nhật, hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định tại Nghị định 49 nên việc triển khai trong những ngày gần đây gây nhiều khó khăn cho người dân (quá tải, ùn tắc tại các điểm cung cấp dịch vụ). Trong những ngày sắp tới, các DN phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, nhân lực, để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.

T.DŨNG

CHÁNH TRUNG - PHẠM DŨNG

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ