A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngại tốn kém, nhiều doanh nghiệp không hợp tác thực tập phương án chữa cháy

16:41 | 26/04/2018

Một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả, rất cần thiết, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra là các doanh nghiệp phải thường xuyên,...

...định kỳ tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở.

Lực lượng chức năng thực tập phương án chữa cháy tại Bệnh viện Thiện Hạnh.

Theo phân tích của Phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thì thông qua thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, doanh nghiệp xác định được các vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhất để xây dựng những tình huống cháy giả định, sát với thực tế, từ đó bố trí phương tiện, triển khai lực lượng chữa cháy, tránh bị động khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Bên cạnh đó đây cũng là một cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp rà soát, kiểm tra lại phương tiện, hiệu quả sử dụng của trang thiết bị chữa cháy cũng như đánh giá khả năng phối hợp giữa lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và lực lượng chữa cháy tại chỗ trong công tác cứu hộ cứu nạn.

Tuy nhiên trên thực tế, khi đề cập đến việc phối hợp, tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các doanh nghiệp, một cán bộ cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cho hay, nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ né tránh, bất hợp tác với lý do… không có kinh phí. Trong khi đó, theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, ngoài việc bắt buộc thành lập lực lượng chữa cháy cơ sở thì hằng năm, chủ các doanh nghiệp phải xây dựng, dự trù kinh phí phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở, trong đó có nội dung diễn tập. Song một phần do “tiếc” của, một phần do chưa nhận thức hết hậu quả nghiêm trọng, nặng nề khi xảy ra cháy nổ nên phần lớn chủ doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác cùng lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phối hợp tổ chức thực tập. Trong khi đó mục đích cuối cùng của đợt thực tập là nhằm bảo vệ chính tài sản của các doanh nghiệp. 

Về chi phí cho thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, nhất là những phương án có sự tham gia của nhiều lực lượng, như: cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, phía cảnh sát phòng cháy chữa cháy khẳng định, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong lĩnh vực này, đơn vị sẵn sàng bỏ thời gian, công sức cùng doanh nghiệp xây dựng những phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hiệu quả nhất, sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp nhằm đề phòng, hạn chế thấp nhất những rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Còn chi phí phát sinh trong quá trình thực tập như: chế độ cho chính lực lượng chữa cháy cơ sở của doanh nghiệp, mua sắm các phương tiện, thiết bị phục vụ thực tập như: xăng dầu, lựu đạn khói… doanh nghiệp phải đảm nhận. Song chắc chắn những chi phí này không đáng kể so với khối tài sản lớn mà doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. Thiết nghĩ, để giải quyết tận gốc tình trạng “tiếc” của này mà không hợp tác thực tập này thì cần có một chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc, có tính răn đe hơn nữa thay vì chỉ xử phạt mức hành chính khá thấp là từ 1-2 triệu đồng nếu không tổ chức thực tập như hiện nay.

Đăng Triều

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ