A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều Chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 6/2018

08:09 | 04/06/2018

Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy, Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo; vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản phạt đến 200 triệu đồng; hỗ trợ trồng rừng tới 10 triệu đồng/ha;...

... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2018.

Thông tư 12/2018/TT-BGDĐT về ban hành quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập quy định, từ 1/6, quy trình xét thăng hạng viên chức giảng dạy tại đại học công lập bao gồm: Chuẩn bị xét thăng hạng, tổ chức xét hồ sơ thăng hạng và tổ chức xét thăng hạng. Trường hợp phúc khảo kết quả, viên chức gửi đơn phúc khảo đến Hội đồng trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết quả được công bố và gửi đến ứng viên.

Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo. Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/04/2018 về bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 05/06/2018, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Phát triển ngành nghề nông thôn. Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn có hiệu lực từ 1/6/2018, làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề….

Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù. Có hiệu lực từ ngày 05/06/2018, Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong đó, bổ sung quy định thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù.

Quy định nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia. Nghị định 60/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có hiệu lực từ ngày 15/06/2018.

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông. Có hiệu lực từ 21/06/2018, Nghị định số 61/2018/NĐ-CPngày 23/04/2018 quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP. Theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/05/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 19/06/2018, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản phạt đến 200 triệu đồng. Có hiệu lực từ ngày 22/06/2018, Nghị định 64/2018/NĐ-CP ngày 07/05/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, trong đó vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng.

Hỗ trợ trồng rừng tới 10 triệu đồng/ha. Có hiệu lực từ 19/6/2018, Thông tư 02/2018/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn thực hiện Quyết định 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó, hỗ trợ trồng rừng tới 10 triệu đồng/ha.

Điều kiện được tha tù trước thời hạn với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.  Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nghị quyết có hiệu lực ngày 9/6/2018.

 Theo đó, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 66 của Bộ luật Hình sự có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; Phạm tội lần đầu.

 Trường hợp được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Trước đó chưa phạm tội lần nào; Đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; Đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

Theo Thông tư 07/2018/TT-BYT, từ 1/6, các cơ sở kinh doanh dược phải thông báo đến Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở. Thời hạn thông báo là 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động hoặc từ ngày có sự thay đổi về người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề.

Thông tư 01/2018/TT-BYT quy định, từ 1/6, tên thương mại của thuốc ghi trên nhãn thuốc phải đảm bảo: Không có tính chất quảng cáo; Không gây hiểu lầm về thành phần, xuất xứ thuốc; Không gây hiểu lầm hoặc mang tính chất mô tả quá mức về tác dụng, hiệu quả, chỉ định của thuốc và một số lưu ý khác.

Thông tư 11/2018/TT-BYT về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hiệu lực từ 20/6, 4 trường hợp thuốc phải do Bộ Y tế kiểm nghiệm trước khi lưu hành bao gồm: Vắc xin, sinh phẩm là huyết thanh có chứa kháng thể; Sinh phẩm là dẫn xuất của máu và huyết thanh người; Thuốc nhập khẩu theo quy định tại Điều 70 Nghị định 54/2017/NĐ-CP; Thuốc được sản xuất bởi cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài thuộc danh sách cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng do Bộ Y tế công bố.

PV (tổng hợp)

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ