A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Công tác giám sát, giáo dục các đối tượng chấp hành án cải tạo ngoài xã hội: Nhiều địa phương còn buông lỏng

08:36 | 21/10/2014

Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh sau đợt giám sát về công tác thi hành án treo và án cải tạo không giam giữ (gọi chung là án cải tạo ngoài xã hội) trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh thì thời gian qua, ...

... việc phối hợp giám sát, giáo dục các đối tượng chấp hành án cải tạo ngoài xã hội giữa chính quyền địa phương với cơ quan chức năng thi hành án hình sự (THAHS) Công an cấp huyện nhiều khi còn buông lỏng, dẫn đến những khó khăn trong công tác bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ và làm việc trực tiếp với cơ quan THAHS Công an các huyện huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo và TP. Buôn Ma Thuột, các thành viên trong đoàn đều đánh giá: Sau khi Luật THAHS có hiệu lực thi hành (tháng 6-2010) thì các cơ quan THAHS các cấp đã cơ bản quản lý tốt các đối tượng có án treo và án cải tạo không giam giữ trên địa bàn thông qua việc triệu tập, lập hồ sơ chuyển giao cho các xã, phường, thị trấn quản lý, giáo dục…, từ đó công tác quản lý tội phạm đã có chuyển biến tích cực, tình hình an ninh trật tự trên mỗi địa bàn từng bước ổn định hơn so với trước khi Luật THAHS có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều nhận định rằng, hiện nay đội ngũ các cán bộ chiến sĩ làm công tác THAHS tại một số địa phương chưa đảm bảo về số lượng, trình độ; năng lực của cán bộ làm công tác còn chưa chuyên sâu do được điều động từ các đội nghiệp vụ khác, hoặc chiến sĩ nghĩa vụ mới được tuyển vào biên chế chưa được tập huấn, đào tạo về nghĩa vụ chuyên môn vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác. Mặt khác UBND các xã, phường, thị trấn vẫn xem nhẹ công tác THAHS đối với các đối tượng chấp hành án phạt cải tạo ngoài xã hội trên địa bàn… dẫn đến công tác giám sát, theo dõi các đối tượng còn gặp không ít khó khăn, đôi lúc chưa được chặt chẽ và sâu sát đối với các đối tượng. Vì vậy nhiều đối tượng đã tự ý rời khỏi nơi cư trú mà chính quyền địa phương vẫn không hay biết, hoặc có những đối tượng gây án mới khi chưa hoàn thành án phạt cũ tại địa phương… Tại huyện Cư Kuin, năm 2012 có 59 đối tượng chấp hành án treo và án cải tạo không giam giữ được bàn giao về các xã (nơi đối tượng thường trú) để chính quyền sở tại quản lý, giáo dục, nhưng có 4 trường hợp chuyển đi nơi khác mà địa phương không hay biết, mãi đến năm 2013 khi cơ quan THAHS Công an huyện có lệnh triệu tập thì mới xác định được các đối tượng không còn sinh sống trên địa bàn. Cũng từ năm 2012 đến nay, huyện Cư Kuin đã có 3 đối tượng đang chấp hành án cải tạo ngoài xã hội tiếp tục phạm tội mới.

Cần phát huy vai trò của già làng trong công tác tuyên truyền pháp luật. Trong ảnh: Già làng Y Chớt Niê (bên trái) buôn Tu, xã Ea Tul,  huyện Cư M’gar vận động thanh niên tham gia giữ gìn  an ninh trật tự trên địa bàn.

Cần phát huy vai trò của già làng trong công tác tuyên truyền pháp luật. (Trong ảnh: Già làng Y Chớt Niê (bên trái) buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar vận động thanh niên tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn).

Ông Doãn Đình Quyến, Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh, thành viên đoàn giám sát cho biết: Một số Cơ quan THAHS cấp huyện vẫn còn để tình trạng án cũ tồn đọng từ những năm trước chưa giải quyết, trong khi đó, không ít hồ sơ tội phạm sau khi tiếp nhận từ phía TAND cùng cấp thì vẫn còn chậm bàn giao cho cấp xã. Việc giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án trong quy định của Luật THAHS chỉ trong vòng 7 ngày, nhưng có hồ sơ giao chậm đến nhiều tháng. Chưa kể, có những hồ sơ gần hết thời gian thử thách đối với các đối tượng thì mới thấy chuyển về cho địa phương; nhiều trường hợp đã chấp hành xong án nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận, nhiều người được cấp giấy chứng nhận lại không có chữ ký xác nhận, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người chấp hành xong án. Câu chuyện về Ngô Văn T. (SN 1991 ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ điển hình cụ thể. Do việc giám sát THAHS của chính quyền sở tại còn lỏng lẻo, nên khi T. đang phải chịu hình phạt tù treo tại địa bàn xã Hoà Phú, thì đến ngày 30-7-2012 lại phạm tội mới là đánh nhau gây thương tích. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh điều tra vụ án, cơ quan chức năng đã phải “đánh vật” với nhân thân của T. Cái khó nhất là việc làm thủ tục xóa án tích cho T. khi đã hết thời gian chấp hành án theo quy định của pháp luật gây không ít khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng…

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chia sẻ: Theo quy định mới, việc quản lý, giám sát các đối tượng đang chấp hành án phạt cải tạo ngoài xã hội hiện nay đã giao cho cấp xã, phường quản lý để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tránh tình trạng cơ quan THAHS “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trước đây. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ tư pháp và công an của các phường, xã, thị trấn lại có hạn và họ còn phải giải quyết nhiều công việc nên việc quản lý giám sát, theo dõi các bị án này đã gặp không ít khó khăn. Vì vậy, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa UBND xã, phường với lực lượng THAHS Công an cấp huyện trong công tác quản lý, giám sát bị án. Đặc biệt, hiện nay việc giám sát, giáo dục các đối tượng chấp hành án phạt ngoài xã hội trên địa bàn cấp xã chủ yếu chỉ giao cho lực lượng công an viên, công an thường trực của xã, còn trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong đó có các hội, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng và phía gia đình người chấp hành án… thì còn bỏ ngỏ. Bà Nguyệt cho rằng cần phải phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị địa phương trong việc giám sát, giáo dục các đối tượng chấp hành án này nhằm vận động tuyên truyền sâu rộng ý thức chấp hành pháp luật đến người dân nói chung và các đối tượng chấp hành án cải tạo ngoài xã hội nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các bị án này được làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình trong môi trường xã hội bình thường, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, có như thế công tác giám sát, giáo dục mới góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Lê Thành

 

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ