A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xe chở quá tải trọng: Bao giờ mới chấm dứt?

14:39 | 03/04/2015

Theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP, từ 1-1-2015, chủ xe và tài xế sẽ bị phạt đến 36 triệu đồng nếu chở quá tải trọng cho phép.

Mặc dù mức xử phạt rất cao, song tình trạng xe chở quá tải vẫn tung hoành trên các tuyến đường, lái xe luôn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng, né tránh trạm cân.

Tăng mức xử phạt

Trước đây, tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 60% với xe dưới 5 tấn và trên 50% với xe từ 5 tấn trở lên là từ 5-7 triệu đồng; phạt từ 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% so với quy định. Còn theo Nghị định 107, nếu chở hàng vượt quá tải trọng cho phép trên 100% sẽ bị xử phạt từ 7-8 triệu đồng. Đáng chú ý, khung xử phạt tăng cao đối với cá nhân và tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100%, tương ứng từ 16-18 triệu đồng và 32-36 triệu đồng. Như vậy, so với mức xử phạt tại Nghị định 171, khung phạt tại Nghị định 107 cao hơn nhiều, nhất là đối với chủ xe tải.

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe đoạn đường tránh từ Quốc lộ 14 qua xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe đoạn đường tránh từ Quốc lộ 14 qua xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Mức xử phạt cao là thế, song vẫn còn tình trạng lái xe, chủ xe cố tình chở quá tải trọng cho phép, đến khi bị xử phạt cao mới kêu xin lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm cho mình. Đơn cử như trường hợp xe tải mang BKS 78C-035.22 chạy hướng Buôn Đôn – Bình Phước chở quá tải trọng cho phép trên 83%, khi bị lực lượng chức năng lập biên bản, lái xe còn phản ứng, sau nhiều lần cân lại, lái xe mới chấp nhận kết quả của lực lượng chức năng. Áp dụng Nghị định 107, cả chủ xe và tài xế điều khiển xe ôtô đã bị xử phạt tổng số tiền 36 triệu đồng, trong đó, lái xe 6 triệu đồng, chủ xe 30 triệu đồng. Tương tự, ngày 15-1, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đ.P (TP. Buôn Ma Thuột) cũng bị xử phạt 30 triệu đồng do lỗi giao xe cho người làm công thực hiện hành vi chở quá tải trọng. Điều đáng nói, hiện nay tất cả các tỉnh, thành phố đều đặt trạm cân lưu động, nhưng tình trạng xe quá tải đường dài vẫn vi phạm. Chẳng hạn, trong ngày 13-1, lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt xe của Công ty TNHH Inveco Quỳ Hợp (Nghệ An) số tiền 30 triệu đồng…

Lái xe tìm cách “né” trạm

Thời điểm này, tại địa bàn Dak Lak là mùa thu hoạch mì và mía của người dân, nhu cầu vận chuyển lớn, nên cũng được xem là “mùa làm ăn” của cánh lái xe tải, họ tranh thủ tăng chuyến vận chuyển thêm hàng hóa bù cho những tháng mưa. Dọc theo Quốc lộ 26, tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 2 đi qua các vùng sản xuất mì, mía các huyện như M’Drak, Ea Kar, Ea Súp, Buôn Đôn và vùng sản xuất vật liệu xây dựng như Krông Ana, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, tình trạng né tránh trạm cân vẫn thường xảy ra, đơn cử, trung tuần tháng 3-2015, khi biết được lực lượng liên ngành của tỉnh đặt trạm cân tại tỉnh lộ 2 (là tuyến đường có nhiều đoạn bị xới nát bởi xe chở vật liệu cát, gạch từ xã Quỳnh Ngọc, Ea Bông, huyện Krông Ana ra địa bàn TP. Buôn Ma Thuột luôn diễn ra ngày đêm), các lái xe dường như đã “án binh bất động” nên lượng xe vi phạm không đáng kể. Còn khi trạm cân lưu động được đặt trên Quốc lộ 14, đoạn gần Nhà máy bia Sài Gòn – miền Trung, xe tải lại né vào đường nhánh tại nút giao giữa Quốc lộ 14 với đường vào xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Xe tải chất đầy mía lưu thông trên Quốc lộ 26.

Xe tải chất đầy mía lưu thông trên Quốc lộ 26.

Trong khi tài xế tìm mọi cách để đối phó, né tránh trạm cân, khiến tình hình xe chở quá tải ngày càng diễn biến phức tạp thì công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lại chưa được thực hiện một cách quyết liệt, cụ thể như Trạm cân lưu động số 53 chỉ hoạt động cầm chừng do lỗi kỹ thuật từ máy tính truyền dữ liệu hoặc bộ cân, nhất là cứ mỗi lần di chuyển trạm cân đến địa điểm mới thì máy tính, hoặc bộ cân lại gặp trục trặc, đơn vị quản lý phải gửi ra Tổng cục Đường bộ yêu cầu sửa chữa, khiến công tác kiểm soát tải bị gián đoạn trong thời gian dài. Thêm vào đó, 4 bộ cân xách tay (trang bị cho Thanh tra Sở GTVT), cũng chỉ có 2 cân sử dụng được (?!).

Khoảnh khắc xe quá khổ chiếm lĩnh Quốc lộ 26

Khoảnh khắc xe quá khổ chiếm lĩnh Quốc lộ 26

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Công Chức, Chánh Thanh tra Sở GTVT – Trạm trưởng Trạm cân lưu động số 53 cho biết, trạm cân lưu động được đặt quay vòng ở 5 vị trí khác nhau trên các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 và tỉnh lộ 2. Do đó, việc né tránh trạm cân của cánh tài xế khó tránh khỏi, còn công tác tuần tra kiểm soát lưu động trên các tuyến đường cũng gặp không ít khó khăn, do lực lượng quá mỏng, trong khi khối lượng công việc phải làm rất nhiều.

Theo thống kê, từ tháng 5-2014 đến cuối tháng 2-2015, Trạm cân 53 đã kiểm tra 3.649 trường hợp tải trọng xe, qua đó đã xử lý 561 xe vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với số lượng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và các tuyến giao thông nội tỉnh.

 

 Hoàng Tuyết

 

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ