A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên

08:28 | 02/04/2013

Chuyến thực tế tìm hiểu công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, do Ban chỉ đạo Chương trình 504 tổ chức mới đây đã giúp chúng tôi tìm hiểu và nhìn nhận đầy đủ hơn về tính chất nguy hiểm, hậu quả và tác đ

Bài 1: Nỗi đau còn đó

Sống chung với bom mìn

Sau những nỗ lực triển khai Chương trình 504, đến nay các địa phương trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên đã hoàn thành việc lập bản đồ ô nhiễm bom mìn và xây dựng chương trình triển khai rà phá bom mìn theo lộ trình cụ thể. Nhiều địa phương đang tích cực rà phá bom mìn trên địa bàn rộng, làm sống lại những “vùng đất chết” phục vụ phát triển KT-XH, sinh hoạt của người dân. Chỉ vào tấm bản đồ ô nhiễm bom mìn, Đại tá Trương Chí Lăng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng nói với chúng tôi: “Trong chiến tranh, Đà Nẵng là nơi bị tàn phá nặng nề, hứng chịu nhiều bom mìn, vật nổ, nơi đây cũng là căn cứ chiến lược của Mỹ-ngụy, trọng điểm diễn ra các trận đánh quyết liệt giữa ta và địch. Bom mìn của địch sử dụng gồm nhiều loại, ở hầu hết các địa phương với số lượng bom đạn chưa nổ ước tính lên tới hàng nghìn tấn, mức độ ô nhiễm bom mìn gần 100% diện tích…”.

Ông Nguyễn Văn Cứ nạn nhân bom mìn, nhà ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) được người thân chăm sóc giúp đỡ.

Cũng như ở Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên một thời là “túi bom, chảo lửa”, bị ô nhiễm bom mìn ở mức độ rất cao: Thống kê của Bộ CHQS tỉnh Kon Tum diện tích bị ô nhiễm bom mìn chiếm hơn 48% diện tích canh tác. Còn ở tỉnh Gia Lai, 100% số xã, phường bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với gần 600 khu vực ô nhiễm, trong đó có 50% xã, phường chịu ảnh hưởng ở mức cao, 15% số xã, phường ở mức độ rất cao… Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum kể: “Ngay dưới nền nhà khách của Bộ CHQS tỉnh trước đây là một kho đạn, khi xây dựng đơn vị mới phát hiện, thu gom và vận chuyển đi tiêu hủy 3 chuyến ô tô mới hết…". Không chỉ có Đà Nẵng, Kon Tum mà hầu hết các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, người dân địa phương vẫn phải lao động, làm việc và sinh sống chung với bom mìn…

Nhức nhối những nỗi đau

Tính chất, mức độ ô nhiễm bom mìn tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng tỷ lệ thuận với số nạn nhân bị tai nạn do bom mìn gây ra. Ba nạn nhân đầu tiên chúng tôi đến thăm, tặng quà trong chuyến công tác là anh Nguyễn Lộc (sinh năm 1975), Nguyễn Hương (sinh năm 1973) và ông Nguyễn Văn Cứ (sinh năm 1966). Họ cùng sinh sống tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) và nhà chỉ cách nhau vài trăm mét. Đi bộ trên đoạn đường ngắn trong buổi chiều tà đến thăm gia đình các nạn nhân, cả đoàn chúng tôi đã lặng đi khi nghĩ về sự tàn khốc của bom mìn. Nếu những nơi khác cũng có mật độ người bị tai nạn như ở đây thì thật khủng khiếp?

Nguyễn Lộc nhà ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) cắt tóc kiếm sống bằng đôi bàn tay còn lành lặn.

Chuyện tai nạn xảy ra với mỗi nạn nhân là nỗi đau mất đi những bộ phận trên thân thể và tiếp đến là những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Anh Nguyễn Lộc vén cho chúng tôi xem chiếc chân giả cùng nhiều vết thương trên người và cho biết: “Khi đó tôi mới 10 tuổi, đi chăn bò cách nhà khoảng 2km, thì bất ngờ một quả mìn phát nổ ngay dưới chân. Gia đình đưa vào bệnh viện điều trị khoảng 3 tháng thì hồi phục, nhưng chân trái đành cắt bỏ. Sức khỏe yếu dần, đi lại khó khăn, tôi học đến lớp 6 thì nghỉ hẳn. Sau này tôi lấy vợ, sinh hai con, một cháu lại bị bệnh tim bẩm sinh... Cuộc sống khó khăn, may tôi còn đôi bàn tay để cắt tóc kiếm tiền…”. Còn trường hợp của ông Nguyễn Văn Cứ bị tai nạn khi vừa tốt nghiệp lớp lái tàu. Chuyến về nghỉ phép định mệnh năm 1985, thương bố mẹ vất vả, ông đưa trâu đi cày. Đang cày thì một tiếng nổ kinh hoàng của quả đạn pháo khiến con trâu chết tại chỗ, còn ông vĩnh viễn mất một chân. Không thể tiếp tục công việc lái tàu “vào Nam, ra Bắc" mà mình yêu thích, ông rất chán nản, tuyệt vọng nhưng rồi vẫn phải sống, lấy vợ, sinh con… Với chiếc chân giả ông đã làm đủ nghề, bán cơm bụi, phu hồ… để giúp gia đình. Người ta thường nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, nhưng vụ nổ mìn năm 1995, đã cướp đi của anh Nguyễn Hương đôi mắt và gần hai chục vết thương trên thân thể. Ái ngại với cảnh sống “trong bóng đêm” một mình của anh, tâm sự với người thân trong gia đình chúng tôi được biết, anh không muốn lập gia đình và vẫn sống một mình với nghề tẩm quất thưa vắng khách, trong sự chia sẻ giúp đỡ của người thân và láng giềng…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả bom mìn để lại nặng nề với hàng triệu gia đình và người dân. Số liệu tổng hợp của Bộ CHQS các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên như: Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum… số người bị tai nạn bom mìn đã lên tới hàng nghìn người. Theo ông Nguyễn Bình Minh-cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Đà Nẵng, con số hàng nghìn nạn nhân và thực tế chưa dừng lại cho thấy hậu quả khủng khiếp, cũng như tác động nặng nề của bom mìn sót lại sau chiến tranh đối với gia đình và xã hội, vì nhiều người không còn khả năng lao động, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào sự chăm sóc, giúp đỡ của người thân… Chương trình 504 mang đến niềm hy vọng mới cho người dân các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn và sự hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị tai nạn do bom mìn gây ra. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các cấp chính quyền và từng người dân, cần có sự giúp đỡ hiệu quả của Chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế…

 

    Theo Báo QĐND

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ