A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

09:44 | 18/07/2013

Sáng ngày 17-7, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Ở điểm cầu Dak Lak, tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và lãnh đạo Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố, thị xã. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Dak Lak

Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2010 đến nay, các địa phương trong cả nước đã chủ động đầu tư tổ chức hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Cùng với 783 cơ sở dạy nghề, các địa phương đã huy động trên 200 doanh nghiệp và trên 400 cơ sở khác có đủ điều kiện dạy nghề; trên 2 vạn giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và trên 1,1 vạn các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, nhà khoa học, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết quả, trong 3 năm, các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 lao động nông thôn (đạt 77,7% kế hoạch); trong đó có 480.897 người được học nghề nông nghiệp (chiếm 44,2%) và 607.496 người được học nghề phi nông nghiệp (chiếm 55,8%). Trong số hơn 1 triệu người đã học nghề xong, có 822.460 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn (đạt gần 79%); trong đó, có 55.288 người thuộc hộ nghèo sau học nghề có việc làm, thu nhập đã thoát nghèo, chiếm 44,1% và 88.222 người sau học nghề có việc làm, thu nhập khá, chiếm 10,7%. Một số mô hình dạy nghề được triển khai có hiệu quả và nhân rộng như: dạy nghề nông nghiệp, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… Bên cạnh đó, trong 3 năm, cả nước cũng đã đào tạo, bồi dưỡng được 203.593 lượt cán bộ, công chức cấp xã. 

Một buổi thực hành dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động người dân tộc thiểu số tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Dak Lak. Ảnh: Hoàng Dưỡng

Riêng tại Dak Lak, công tác triển khai, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Đề án 1956 đã được thực hiện đồng bộ. 100% các huyện, thành phố trong tỉnh có Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, 100% các xã có tổ công tác và quy chế hoạt động. Tỉnh cũng đã hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho 12 cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, người dạy nghề (toàn tỉnh hiện có 361 giáo viên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn). Trong 3 năm (2010-2012), tỉnh đã mở 199 lớp đào tạo nghề cho 6.546 lao động nông thôn (trong đó có 4.908 người dân tộc thiểu số). Lao động nông thôn có việc làm và tự tạo việc làm sau đào tạo là 4.879 người (chiếm 74,5%); trong đó nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm 52%, nhóm nghề nông nghiệp chiếm 48%. Cũng trong 3 năm, tỉnh đã mở 17 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.113 lượt cán bộ, công chức xã về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, điều hành.
 
Các báo cáo, tham luận tại hội nghị cũng đã nêu rõ những tồn tại, yếu kém trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể là công tác dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế. Một số nơi dạy nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động… 
 
Trong 3 năm tới (2013-2015), Đề án đặt ra mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho hơn 2 triệu lao động nông thôn, trong đó có từ 70% người học xong có việc làm mới hoặc làm nghề cũ nhưng có năng suất, hiệu quả cao hơn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực cho 300.000 lượt cán bộ, công chức xã; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với các trung tâm dạy nghề… Để thực hiện được những mục tiêu này, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các địa phương cần xác định dạy nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục củng cố Ban Chỉ đạo Đề án cấp huyện, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; triển khai đào tạo nghề gắn với thực tiễn sản xuất, đặc biệt phải hướng đến tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo; chuẩn bị cho công tác sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và các trung tâm dạy nghề thành một trung tâm chung thuộc UBND cấp huyện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp – Dạy nghề - Giới thiệu việc làm… 
 
Hồng Thủy

 

    Nguồn:Báo ĐăkLắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ