A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk: Trục lợi chính sách, đâu là lỗ hổng?

10:09 | 12/09/2016

Cán bộ thôn lập danh sách khống, xã thiếu giám sát, nhắm mắt làm ngơ khiến cho việc xác nhận hộ nghèo, cận nghèo của địa phương thiếu chính xác, ...

... từ đó nhiều nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHSCXH) huyện đã không đến đúng đối tượng. Sự thiếu trung thực của cán bộ thôn Thác Đá (xã Ea Kuênh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) diễn ra nhiều năm qua nhưng không bị phát hiện.

Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Dung thuộc hộ cận nghèo.

Không muốn thoát nghèo?

Có trong tay gần 4 héc ta đất trồng cà phê, hồ tiêu, mỗi năm cho thu nhập vài ba trăm triệu đồng, thế nhưng ông Nguyễn Văn Thắng- ở thôn Thác Đá vẫn không chịu thoát nghèo. Từ năm 2005 đến năm 2014 ông đều nằm trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo “bền vững”. Có sổ cận nghèo, ông Thắng nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục vay 84 triệu đồng từ vốn tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar theo các gói vay hộ cận nghèo và học sinh sinh viên (HSSV).

Mặc dù gia cảnh được xếp hàng hộ khá giàu của thôn, thế nhưng nhiều năm qua ông Đinh Văn Cương - Bí thư chi bộ thôn Thác Đá cũng vẫn cố vay cho được gói hỗ trợ Nước sạch vệ sinh môi trường 12 triệu đồng với lãi hàng tháng 99.200 đồng thời hạn vay từ (13/6/2014 đến 14/6/2019) chỉ với lý do được vay với ưu đãi lãi suất thấp. 

Mặc dù làm việc ở Lâm trường Buôn Wing, có thu nhập ổn định, nhà xây trị giá vài trăm triệu đồng, thế nhưng bà Nguyễn Thị Dung vẫn được thôn ký xác nhận là hộ cận nghèo để cho vay vốn 30 triệu đồng và hưởng các chế độ ưu tiên khác.

Hay như ông Nguyễn Trung Kha, nhà có 3 héc ta đất trồng cà phê, hồ tiêu mỗi năm thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng nhưng do có con học đại học nên cũng được cán bộ thôn cho vào diện cận nghèo để được vay vốn ưu đãi.

Không chỉ lập danh sách cho dân không chính xác, mà các cán bộ thôn còn tha hồ bình xét cho người thân trong nhà có chế độ hộ nghèo, cận nghèo để được hưởng các gói vay ưu đãi của NHSCXH.

Như bà Đinh Thị Bình, chị ruột ông Cương, Bí thư chi bộ, nhà có 2 mẹ con, có 2 héc ta rẫy vậy nhưng vẫn được xác nhận cho vào hộ cận nghèo để vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng; hay ông Đinh Trung Hiếu, bà Đinh Thị Bon, Đinh Trung Dương… đều là họ hàng của ông Cương cũng được cấp cho sổ cận nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi.

Ông Văn Đức Tuấn - Trưởng thôn Thác Đá cho biết, mặc dù trong thôn có nhiều hộ kinh tế khá giả nhưng muốn các gia đình, các hộ có con cái đi học đại học, cao đẳng, trung cấp được hưởng các chế độ ưu tiên của Nhà nước và chế độ BHYT nên ông mới ưu tiên lập danh sách gửi lên cho xã xác nhận, dù các hộ này đáng lẽ ra không được hưởng những ưu tiên quy định.

Vậy nhưng, điều khó hiểu ở đây là chỉ những hộ nào ủng hộ các vị cán bộ này thì được ưu tiên, còn hộ nào phản đối thì họ sẽ dựa vào các điều khoản quy định.

Điển hình như gia đình bà Đặng Thị Hiền 78 tuổi hiện sống một mình, chồng mất nhiều năm nay vì bệnh hiểm nghèo. Do quá nghèo không có tiền bạc xây dựng nhà cửa, bà con, chòm xóm góp công góp của xây cho căn nhà. Gia đình cũng bà không có đất sản xuất, vợ chồng cháu con phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi, vậy mà bà vẫn không được thôn ưu tiên xếp vào hộ nghèo mà chỉ xếp vào hộ cận nghèo.

Lỗ hổng

Ông Bùi Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Ea Knuêh khẳng định, việc làm của thôn Thác Đá là đúng quy trình. Bởi việc điều tra hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều do Ban tự quản thôn rà soát, lập danh sách và UBND xã giám sát quá trình đó và khi niêm yết danh sách nếu có đơn khiếu nại của nhân dân thì xã sẽ xuống rà soát và họp dân để lấy ý kiến công khai.

Thế nhưng như trường hợp bà Đặng Thị Hiền (78 tuổi) khi bị cắt hộ nghèo, thấy vô lý bà lên xã gặp ông Hùng hỏi nguyên nhân khiến bà bị cắt BHYT và các chính sách ưu đãi khác thì ông Hùng lại bảo lỗi do thôn.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết hàng năm vẫn được công nhận hộ nghèo vì nhà có 3 mẹ con, đất đai cằn cỗi, năm 2016 thôn xếp bà vào hộ cận nghèo, bà đã làm đơn kiện lên huyện. Ông Tuấn trưởng thôn vội đến xin lỗi và cho bà trở lại hộ nghèo.

Ông Văn Đức Tuấn - Trưởng thôn cho biết trong thôn gia đình nào có sinh viên đi học thì ông đều cho vào hộ nghèo, cận nghèo vì gia đình có con đi học thường khó khăn nên thôn nhẹ tay trong việc chấm điểm.  

Ông Tuấn cho rằng việc ông lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là giúp cho các hộ trong thôn có điều kiện dễ dàng trong việc vay vốn, còn năm nay các hộ cận nghèo mới được hưởng thêm chính sách bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh trong 6 tháng và nguồn kinh phí cấp bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo này được lấy từ nguồn ngân sách của tỉnh. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nhạn - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH huyện Cư M’gar cho biết việc ngân hành giải ngân cho vay các khoản vay hộ nghèo, cận nghèo, HSSV chủ yếu dựa trên danh sách hộ nghèo, cận nghèo do UBND huyện xác nhận. 

Nguyễn Tuấn Anh

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ