A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Quy ước thôn, buôn – "chìa khóa" để xây dựng đời sống mới

14:01 | 16/01/2018

Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở khu dân cư, Ban chỉ đạo huyện Cư M’gar ...

... đã có những cách làm hết sức thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của từng địa phương, nhờ vậy ngày càng được các cộng đồng dân cư trên địa bàn đồng thuận và hưởng ứng tích cực.

Ông Huỳnh Xuân Mai, Trưởng Phòng VH - TT huyện Cư M’gar cho biết: Bắt đầu từ cuộc vận động trên, đến nay hầu hết 17 xã, thị trấn có đời sống kinh tế - xã hội phát triển khá mạnh mẽ và toàn diện, môi trường được bảo đảm, các giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa được gìn giữ, bảo tồn. Có được thành quả ấy là nhờ mỗi cộng đồng dân cư  đã tích cực xây dựng và triển khai tốt việc thực hiện quy ước thôn, buôn của mình dựa trên sự phối hợp, hướng dẫn và kiểm tra thường xuyên của các cơ quan, ban ngành chức năng của huyện.

Lễ hội mừng cơm mới của người Xê Đăng ở buôn Kon H'ring - xã Ea Đing được tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn  bản sắc văn hóa.

Lễ hội mừng cơm mới của người Xê Đăng ở buôn Kon H'ring (xã Ea Đing) được tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa.

Theo ông Mai, từ những năm 1996-1997, huyện Cư M’gar đã đưa vấn đề xây dựng và thực hiện quy ước thôn, buôn ra bàn thảo nhằm tạo cơ sở vững chắc để xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố tiến bộ của luật tục trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng người dân tộc tại chỗ. Từ đó huyện đã chọn buôn Đing (xã Cư Dliê Mnông) để xây dựng bản quy ước kiểu mẫu. Bản quy ước này, ngoài việc vận dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự hiện hành, các quy định của Đảng và Nhà nước... Ban tự quản buôn đã linh hoạt đưa một số luật tục của cộng đồng để hoàn chỉnh thêm. Đó là các nội dung: Phân chia tài sản; Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Bảo vệ môi trường, cảnh quan; Xử lý mọi hành vi trộm cắp và gây rối an ninh, trật tự xã hội. Hiện bản quy ước này có 6 chương, 37 điều và được các thành viên trong cộng đồng buôn Đing thực hiện nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Được biết, hơn 50 buôn người dân tộc thiểu số tại chỗ  còn lại lấy đó làm mẫu để xây dựng quy ước cho thôn, buôn của mình.

Đến nay, huyện Cư M’gar có hơn 24.000 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm gần 90%; có 157/189 thôn, buôn, khối phố xây dựng, thực hiện quy ước và được công nhận danh hiệu thôn, buôn, khối phố văn hóa cấp huyện. 

Với nhóm các dân tộc ít người từ phía Bắc di cư vào, huyện Cư M’gar chọn thôn Bình Minh (xã Cư Suê) làm điểm để thực hiện việc xây dựng quy ước. Đây là thôn có đa số người Dao sinh sống từ những năm 1990. Cuộc sống của hơn 150 hộ dân ở đây đang khá lên từng ngày nhờ cây cà phê, lúa nước, hồ tiêu và các loại cây trồng cạn. Đến nay thôn Bình Minh đã hoàn thiện bản quy ước gồm 5 chương, 20 điều. Đặc biệt cộng đồng người ở đây rất quan tâm đến việc cưới, việc tang và các lễ hội truyền thống. Đơn cử như trong quy ước hôn nhân, không được tảo hôn, ép hôn, thách cưới... mà phải thực hiện đúng Luật Hôn nhân gia đình; khi trong nhà có người chết, không để quá 3 ngày, đồng thời hạn chế và tiến tới việc không đốt vàng mã nhằm bảo đảm vệ sinh chung, giảm sự tốn kém tài chính cho mỗi gia đình. Có thể nói đây là sự tiến bộ rõ nét, góp phần làm chuyển biến tích cực đời sống kinh tế - xã hội người Dao trên vùng quê mới. Từ bản quy ước của người Dao ở thôn Bình Minh, Ban chỉ đạo Cuộc vận động TDXDĐSVH huyện lấy đó làm mẫu cho các làng người Thái, Tày, Nùng... có mặt trên địa bàn tham khảo để xây dựng quy ước cho mỗi cộng đồng.

Đồng bào người Dao ở xã Cư Suê thu hoạch, sơ chế dược liệu.

Đồng bào người Dao ở xã Cư Suê thu hoạch, sơ chế dược liệu.

Những khu dân cư người Kinh, hội đủ cả ba miền Bắc - Trung -Nam thì thôn An Bình (thị trấn Ea Pốk) được chọn làm mẫu. Người dân lập nghiệp tại đây chủ yếu là từ các vùng quê Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh vào từ những năm 1987-1990. Do đó việc xây dựng quy ước làm sao cho phù hợp và hài hòa với đời sống, tập quán cổ truyền của mỗi vùng là vấn đề được bà con thống nhất bàn thảo kỹ lưỡng thông qua bản quy ước của thôn An Bình được xây dựng gồm 5 chương, 21 điều. Ngoài việc cưới, việc tang, lễ hội, an ninh trật tự và những thuần phong mỹ tục tốt đẹp, thì hương ước của thôn tập trung vào vấn đề xóa đói giảm nghèo, khuyến tài, khuyến học và trách nhiệm của gia đình đối với con cái trong việc xây dựng xã hội học tập. Theo người dân thôn An Bình thì việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy ước thôn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước được coi là tiền đề quan trọng và có ý nghĩa để đạt được những thành quả như hiện nay. Cả thôn không còn hộ nghèo, hộ khá giả và giàu lên chiếm tỷ lệ trên 80%. Đặc biệt tình trạng con em trong độ tuổi không được đến trường và học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng hầu như không xảy ra. “Điểm sáng” này đã chứng minh và thuyết phục nhiều thôn khác trên địa bàn  đến học tập, vận dụng để xây dựng đời sống mới ở nông thôn hiện nay.  

Phương Bối

 

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ