A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chủ động ngăn ngừa Ebola

10:28 | 22/06/2018

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 90%).

 Hiện tại, nguy cơ dịch Ebola lây lan vào nước ta là thấp nhưng không loại trừ việc ghi nhận trường hợp bệnh Ebola về từ vùng có dịch tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ebola nguy hiểm thế nào?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng. Các triệu chứng ban đầu bao gồm hiện tượng sốt đột ngột, cơ thể suy yếu trầm trọng, đau cơ và đau cổ họng.

Sau đó, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết trong và ngoài cơ thể. Tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh rất cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus. 

Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 90%). Bệnh lây từ động vật hoặc người nhiễm bệnh sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh; chế biến hoặc ăn thịt thú rừng bị nhiễm bệnh.

Người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người, động vật nhiễm virus Ebola, người tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola, người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Ebola là người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Trong dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, các nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus gồm: Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola; Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng; Cán bộ y tế...

Dấu hiệu nhận biết 

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn, người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Chính vì thế, nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. 

Vẫn theo ông Tấn, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Chủ động ngăn ngừa dịch

Bệnh do virus Ebola ghi nhận lần đầu tiên tại Congo năm 1976. Năm 2014-2016, dịch bùng phát lớn tại 3 nước khu vực Tây Phi. Dịch bệnh tái bùng phát tại Congo từ đầu tháng 4-2018; đến hết tháng 5-2018 đã ghi nhận 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola, trong đó 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 47%). 

Trước tình hình đó, ngay từ năm 2014, Việt Nam đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật như: Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola; qui trình giám sát bệnh do virus Ebola; qui trình giám sát, khai báo các đối tượng đi từ vùng dịch Ebola tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Năm nay, ngay khi có thông tin ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Ebola tại Congo tháng 4/2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola, tăng cường giám sát tại cộng đồng, bệnh viện, cửa khẩu; đồng thời, chỉ đạo các trung tâm kiểm dịch y tế, trung tâm phòng chống dịch bệnh các tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu.

Như vậy, Việt Nam đã có kế hoạch, hệ thống phòng chống dịch bệnh sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola từ hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly đến điều trị ... 

Về nguy cơ lây bệnh ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, qua đánh giá tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào nước ta thấp. Nguyên nhân là do các trường hợp mắc bệnh ở Congo tập trung ở vùng hẻo lánh, ít khách du lịch và có điều kiện đi lại khó khăn.

Hiện tại, các quốc gia lân cận và các quốc gia khác chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên, không loại trừ việc ghi nhận trường hợp mắc bệnh Ebola về nước ta từ vùng có dịch nên Việt Nam không chủ quan với diễn biến dịch bệnh. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, để phòng bệnh hiệu quả, Bộ Y tế tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh và đánh giá nguy cơ. Đồng thời, ngành y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát tại cửa khẩu (mới chỉ áp dụng đo thân nhiệt hành khách, chưa áp dụng tờ khai y tế).

Hiện tại, các thử nghiệm lâm sàng loại vaccine phòng bệnh Ebola cho kết quả tốt. WHO cùng với nhà sản xuất vẫn đang tiến hành các bước thử nghiệm tiếp theo và đã sẵn sàng tiêm phòng xung quanh vùng dịch. Hiện phía Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sát sao những kết quả thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine này.

Vì vậy, Cục Y tế dự phòng cần rà soát lại Kế hoạch phòng chống bệnh do virus Ebola, bổ sung tình huống nào cần cho sử dụng vaccine.

Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường đào tạo, tập huấn cho các bộ y tế về giám sát phát hiện ca bệnh, phương thức dự phòng và điều trị bệnh. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường, theo dõi giám sát các dịch bệnh khác như: tay chân miệng, cúm A(H1N1), cúm A(H7N9), sốt xuất huyết, bệnh do virus MER-CoV...

Đây là lần thứ 9 Ebola bùng phát ở CHDC Congo kể từ khi dịch bệnh này được phát hiện vào năm 1976. CHDC Congo nằm trong số nhiều quốc gia Tây Phi phải đối mặt với sự hoành hành của dịch Ebola. Đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất là vào tháng 12/2013 ở miền Nam Guinea trước khi lây lan sang hai quốc gia Tây Phi khác là Liberia và Sierra Leone. Năm 2014, WHO đã đưa ra báo động khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola sau khi dịch hoành hành ở Tây Phi cướp đi sinh mạng của 11.300 người. Hiện, dịch bệnh do virus Ebola đang diễn biến phức tạp tại  Congo. 

    Mai Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ