A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Y đức và chế độ đãi ngộ

09:04 | 17/07/2018

Xã hội ngày càng yêu cầu cao hơn đối với các nhân viên y tế, từ chuyên môn tới thái độ phục vụ bệnh nhân.

Tuy nhiên, “có thực mới vực được đạo” – liệu các nhân viên y tế đã có đủ “thực” để chuyên tâm làm việc, giữ vững y đức trước áp lực ngày càng cao từ nhiều phía?

Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Lương thấp, chế độ đãi ngộ tồn tại nhiều bất cập

Thời gian gần đây, tình trạng bác sĩ ở đơn vị y tế công lập xin nghỉ việc, chuyển sang làm ở bệnh viện tư nhân tăng lên đáng kể. Ghi nhận ở 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Vĩnh Long trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 170 bác sĩ xin nghỉ việc. 

Ở TP Hồ Chí Minh, đơn vị có khá đông bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc là Trung tâm cấp cứu 115 với 23 trường hợp (năm 2017). Ngoài ra còn có các bệnh viện: Mắt, Ung bướu, Răng-Hàm-Mặt…

Tại Bình Phước, một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, trung tâm y tế cũng xảy ra tình trạng “nhảy việc” khiến HĐND tỉnh phải đưa vào chất vấn nguyên nhân tại kỳ họp gần đây. 

Còn tại Hà Nội, trong vòng 4 năm liên tiếp, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chỉ tuyển được 6 bác sĩ, hiện 4 người đã bỏ. Có trường hợp vừa ký hợp đồng, 2 ngày sau gọi lại... mất hút.

Được biết, thu nhập là một trong những lý do chính khiến suốt 20 năm qua, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng.

BS Nguyễn Văn Chánh, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, thế hệ cùng làm với ông có 7 bác sĩ đỗ viên chức từ năm 2000 nhưng đến nay chỉ còn 2 người trụ lại, 1 người chuyển vào Sài Gòn, còn lại bỏ việc, chuyển công tác.

Nếu tính từ 2005 đến nay, đã có hơn 20 bác sĩ ở đây xin thôi việc hoặc chuyển chỗ làm, trong đó có nhiều người từng là viên chức nhiều năm.

BS Chánh thừa nhận: “Thu hút bác sĩ đã khó, giữ chân họ còn khó hơn nhiều”. Chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ cấp cứu 115 theo thang bảng lương chung, chưa có chế độ đặc thù nên thu nhập rất thấp. 

Lý giải về nguyên nhân của vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, nguyên nhân chính vẫn là thu nhập và áp lực công việc.

Thời gian qua, mặc dù những chế độ đãi ngộ của tuyến y tế công lập đã có những thay đổi tích cực, nhưng cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Chẳng hạn ở những bệnh viện công, trung bình, một bác sĩ thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao có thể đạt mức 15-20 triệu đồng/tháng nhưng nếu những “nhân tài” này được bệnh viện tư “thu hút” thì họ sẵn sàng được trả mức đãi ngộ cao hơn vài lần.

Đấy là chưa kể môi trường làm việc, áp lực tại các bệnh viện công rất lớn do thường xuyên quá tải bệnh nhân, hạ tầng cơ sở kém…

“Việc nhiều bác sĩ giỏi sẵn sàng từ bỏ bệnh viện công, lựa chọn đến làm việc tại bệnh viện tư như một giải pháp an toàn lại có lợi hơn cũng là điều dễ hiểu, là xu thế tất yếu của xã hội.

Thế nên, ở địa phương nào đó xuất hiện nhu cầu nhân lực cho y tế tư nhân với mức thu nhập cao thì nơi đó sẽ xuất hiện việc dịch chuyển bác sĩ theo quy luật cung - cầu”, TS Nguyễn Huy Quang phân tích.

Cũng theo ông Quang, việc nhiều bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư ở khía cạnh nào đó có thể là đòn bẩy để kích thích y tế tư nhân phát triển, giảm tải cho bệnh viện công.

Song nếu hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương và năm nào cũng tái diễn thì ngành y tế cần xem lại cơ chế đãi ngộ, nhất là cần có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế tài chính, đổi mới chất lượng bệnh viện để có nguồn thu và chăm lo tốt hơn đời sống cho nhân viên y tế.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nếu không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý thì bệnh viện công sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân và nhân viên của mình.

Hiện nay, Bộ Y tế đang đẩy mạnh chương trình đào tạo công tác quản lý bệnh viện theo hướng hiện đại, trong đó giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải quá giỏi về chuyên môn mà phải giỏi về quản lý như một lãnh đạo doanh nghiệp.

Đây được kỳ vọng sẽ là nền tảng để giữ chân bác sĩ giỏi ở lại các bệnh viện công.

Áp lực công việc nặng nề

Nghề y là nghề chữa bệnh cứu người và các bác sĩ là những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, được giao phó trọng trách vô cùng cao cả và to lớn để giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần đang kề cận.

Nhìn về một góc độ khác, các bác sĩ cũng là con người, cũng phải đối diện với những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.

Hơn thế, họ còn phải đối mặt với áp lực công việc nặng nề để kịp thời cứu chữa cho người bệnh, thậm chí họ còn phải đối mặt với nạn bạo hành y tế, nguy cơ phơi nhiễm với nguồn bệnh gây nguy hiểm tới tính mạng,… 

Chia sẻ thêm về những áp lực trong công việc, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương đã có gần 10 năm gắn bó với nghề cấp cứu cho bệnh nhân cho hay, không ai có thể chần chừ lưỡng lự khi thăm khám cho những người đang mấp mé bên bờ vực giữa sự sống và cái chết. 

Có thể thấy, mặc dù lương thấp, chế độ đãi ngộ còn tồn tại nhiều bất cập, công việc đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng các y, bác sĩ vẫn phải cố gắng hết sức để phục vụ người bệnh một cách tốt nhất. Tuy nhiên, người dân vẫn yêu cầu dịch vụ y tế và các bác sĩ phải phục vụ tốt hơn nữa. 

Điển hình là nhiều người dân ít có thói quen xếp hàng. Khi vào khám bệnh, đặc biệt tại các phòng cấp cứu, họ thường có xu hướng quan trọng hóa bệnh tật của mình và ít quan tâm đến tình trạng trầm trọng của những người xung quanh.

Chính vì thế họ thường xuyên gây áp lực với thầy thuốc để được khám trước, được chiếu chụp, siêu âm ngay hay phải xử trí tức thời, trong khi có rất nhiều bệnh nhân khác đến trước hoặc nặng hơn và đáng được ưu tiên cấp cứu hơn.

Ngoài ra, việc không tuân thủ nội quy bệnh phòng của bệnh nhân và người nhà thăm nuôi cũng là điều khó chịu lớn đối với thầy thuốc.

Rất nhiều bệnh nhân cố tìm hiểu y học qua những kiến thức vụn vặt, nhặt nhạnh được trên Internet hoặc qua truyền miệng nhưng lại coi đó là kiến thức y học thực sự.

Họ can thiệp vào quá trình điều trị của bác sĩ hoặc tự ý thêm thuốc, bỏ thuốc trong đơn nhưng khi hậu quả xảy ra thì đa phần đều có xu hướng đổ lỗi cho quá trình điều trị của thầy thuốc.

Để bác sĩ yên tâm chữa bệnh

Được biết, sau nhiều năm bươn chải lấy thu bù chi vì ngân sách được cấp ngày một giảm, đến nay, tiền lương của thầy thuốc đã được tính vào giá dịch vụ y tế, vừa góp phần giúp thu đủ chi, vừa khuyến khích các bệnh viện lấy bệnh nhân làm trung tâm, đã động viên y, bác sĩ nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần phục vụ người bệnh.

Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ và Bộ Nội vụ xem xét nâng bậc lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2; tức là sau thời gian thử việc sẽ hưởng lương khởi điểm hệ số 2,67, thay vì 2,34 như hiện nay, hướng tới đảm bảo công bằng để thầy thuốc yên tâm công tác.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng, bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho thầy thuốc, ngành y tế đang sửa đổi, bổ sung những quy định để giám sát thu chi, minh bạch công tư trong bệnh viện là hướng đi đúng: “Các phương pháp tốt nhất để nâng cao thu nhập bằng đồng lương chính đáng để các bác sĩ có thể yên tâm làm công tác chuyên môn thật tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Khi đã thực hiện nâng đồng lương đảm bảo cuộc sống cho các bác sĩ thì chúng ta cũng cần phải quan tâm hơn đến việc đề cao kỷ luật nghiêm minh trong khám, chữa bệnh cho bệnh nhân thì mới hạn chế tối đa được tiêu cực”.

Vẫn biết rằng, thực hiện lời thề y đức là sứ mệnh cao cả của thầy thuốc nhưng “có thực mới vực được đạo”.

Các biện pháp tổng thể đổi mới toàn diện ngành y sẽ góp phần động viện thầy thuốc giữ vững được y đức, luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người bệnh lên trên hết.

Để mỗi ca trực là một sự hăng say hết mình, nhận mỗi cuộc gọi lúc nửa đêm không một chút nề hà.

Bệnh viện không còn quá tải, bác sĩ sẽ đủ thời gian để động viên, tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân.

Khi đó, không chỉ đọc lời thề Hippocrates trước khi ra trường mà trái tim mỗi thầy thuốc sẽ “nguyện suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…”, cũng như tự hào về nghề nghiệp cao quý và sứ mệnh thiêng liêng của mình.  

Đức Trân

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ