A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người Việt đang ăn quá mặn

10:12 | 18/07/2018

Đây là cảnh báo được đưa ra tại hội nghị triển khai “Dự án tăng cường quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối” do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 17/7 ở Hà Nội.

Giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.    

Theo đó, hiện mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thói quen ăn mặn, tiêu thụ quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp và đái tháo đường…

Nguy cơ bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường

Theo TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Trong đó, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam, là kẻ giết người số 1, chịu trách nhiệm cho trên 30% số ca tử vong trên toàn quốc. Tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. Các yếu tố và hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm gồm: hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên.

Đặc biệt, tiêu thụ quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp và đái tháo đường. Theo báo cáo Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015, mức tiêu thụ muối hàng ngày ở nam là 10,5 g/ngày; ở nữ là 8,3 g/ngày/người, trung bình của người Việt Nam là 9,4 g, gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là dưới 5 g/người/ngày.

TS Bắc dẫn báo cáo Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và cứ trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong khi đó tỷ lệ người mắc bệnh được phát hiện sớm và quản lý điều trị ở cộng đồng còn rất thấp. Có khoảng 60% người mắc tăng huyết áp và 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh, chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được điều trị và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, điều trị dự phòng.

Tại hội nghị, TS Kidong Park- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nêu rõ, có một khoảng trống điều trị rất lớn với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại Việt Nam. Một trong 2 bệnh nhân tăng huyết áp không biết tình trạng tăng huyết áp của họ. 2 trong 3 bệnh nhân đái tháo đường không biết tình trạng đường huyết của họ. Chỉ có 1/8 bệnh nhân tăng huyết áp và ít hơn 1/3 bệnh nhân đái tháo đường đang nhận được dịch vụ quản lý bệnh tại các cơ sở y tế. Một lý do quan trọng cho khoảng trống điều trị lớn của bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường là dịch vụ hầu như không có sẵn tại các trạm y tế xã.

Tăng cường năng lực cho trạm y tế xã

TS Trương Đình Bắc cho biết, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của y tế dự phòng là tăng cường dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã và tại cộng đồng, trước mắt ưu tiên quản lý điều trị  tăng huyết áp, đái tháo đường. 

Thời gian tới, dự án “Tăng cường quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối” được triển khai tập trung vào các hoạt động như: khám, chẩn đoán, quản lý điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp đơn thuần và tăng huyết áp ổn định ở tuyến trên chuyển về; tư vấn, dự phòng thừa cân, béo phì, tiền đái tháo đường; phát hiện ca nghi ngờ đái tháo đường chuyển tuyến trên chẩn đoán xác định, đồng thời quản lý...

Để tăng cường cho điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ Quỹ Resolve, trong trong giai đoạn 2018-2019, WHO hỗ trợ cho 11 tỉnh trong việc nâng cao năng lực và tăng cường triển khai các hoạt động quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã lồng ghép với can thiệp giảm muối tại cộng đồng. Thời gian tới sẽ mở rộng hỗ trợ thêm khoảng 10 tỉnh.

TS. Kidong Park chia sẻ: Trong nhiều năm qua, WHO đã và đang hỗ trợ Việt Nam giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Đối với phòng, chống các bệnh tim mạch, gần đây WHO đã hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch quốc gia về truyền thông vận động giảm tiêu thụ muối giai đoạn 2018-2020 và Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020. 

Đối với chương trình giảm muối, WHO và Tổ chức Resolve sẽ hỗ trợ để xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong một số thực phẩm chế biến sẵn và tồ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về giảm ăn muối.   

Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác, hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.

 Minh Ngọc 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ