A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bệnh sởi bắt đầu bùng phát

16:14 | 22/10/2018

Chỉ trong nửa đầu tháng 10, toàn tỉnh đã ghi nhận 13 ca dương tính với vi rút sởi, đánh dấu sự trở lại của bệnh sởi trên địa bàn sau một thời gian dài “vắng bóng”.

Nhiều ca bệnh tập trung tại một địa bàn

Phát hiện con trai Nông Bảo Khang 6 tháng tuổi sốt cao, kèm theo nổi ban đỏ bắt đầu từ má và lan dần ra toàn thân, chị Lý Thị Tươi (ở thôn 11, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đã đưa con đến điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên sau 2 ngày điều trị, thấy con vẫn sốt cao 38 - 39oC, chị lại tiếp tục đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị sốt phát ban nghi sởi nên chỉ định nhập viện điều trị tại khu vực cách ly của Khoa Nhi tổng hợp. Qua 2 ngày điều trị tích cực, hiện cháu bé đã cắt sốt và các nốt phát ban cũng đang lặn dần. Chị Tươi rất băn khoăn không biết con mình bị lây bệnh từ đâu vì trước đó trong gia đình và khu vực xung quanh không có ai bị sốt phát ban hay sởi, mà chị cũng không cho cháu đi đâu xa.

Một trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Sau đợt điều trị bệnh viêm phổi tại BVĐK huyện Buôn Đôn về, bé Trương Đức Thiên (9 tháng tuổi, ở thôn 13, xã Cư Knia, huyện Buôn Đôn) lại lên cơn sốt và nổi ban đỏ toàn thân. Quá lo lắng, gia đình đưa cháu lên BVĐK vùng Tây Nguyên để khám bệnh và được chẩn đoán sốt phát ban nghi sởi, phải nhập viện điều trị tại khu vực cách ly của Khoa Nhi tổng hợp và lấy mẫu máu xét nghiệm xác định vi rút sởi. Chị Nông Thị Oanh, mẹ cháu Thiên cho biết: "Con tôi vừa đủ 9 tháng tuổi, chưa kịp tiêm vắc xin phòng bệnh sởi thì bị bệnh viêm phổi phải đi điều trị, vừa khỏi bệnh viêm phổi lại tiếp tục bị sốt phát ban nghi sởi. Qua gần 1 tuần điều trị, giờ sức khỏe của cháu đã ổn, không còn sốt và các nốt ban đỏ đã chuyển thành những nốt thâm".

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên, từ đầu tháng 10 đến nay, khoa đã tiếp nhận 13 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, đa số đều tập trung ở địa bàn huyện Buôn Đôn. Qua xét nghiệm máu đã phát hiện 4 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Ngay khi tiếp nhận các ca bệnh nghi mắc sởi đầu tiên, khoa đã báo cáo lên lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế và được chỉ đạo thành lập khu cách ly điều trị các bệnh nhân này để tránh lây lan bệnh cho các bệnh nhân khác. Đa phần bệnh nhân mắc sởi và nghi sởi vào viện đều là những trường hợp có sốt, có phát ban dạng sởi, mắt đỏ, một vài trường hợp có biến chứng viêm phổi kèm theo. Đến thời điểm này tất cả các bệnh nhân đã được điều trị ổn định, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng. Những trường hợp còn nằm viện đang được điều trị tích cực và không có trường hợp nào chuyển nặng.

Trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vẫn mắc bệnh

Qua thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, trong số 13 ca bệnh dương tính với vi rút sởi có 2 trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi (độ tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi) và 5 trường hợp từ 16 tuổi trở lên (đã qua độ tuổi được bảo vệ bằng vắc xin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng). Đáng chú ý trong 6 trường hợp trẻ mắc bệnh có độ tuổi từ 9 tháng đến 15 tuổi (độ tuổi được bảo vệ bằng vắc xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng) chỉ có 1 trường hợp có tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, số còn lại chưa tiêm hoặc có tiêm nhưng không đầy đủ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo: Bệnh sởi là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và hay xảy ra ở trẻ chưa tiêm phòng. Bệnh có tốc độ lây lan qua đường hô hấp rất nhanh và có nhiều biến chứng. Vì vậy, các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi 9 tháng trở lên nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng sởi đúng lịch, đủ liều (mũi 1 tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi 2 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi) để tránh mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Hiện tại, các ca bệnh dương tính với vi rút sởi tập trung ở 2 địa bàn là huyện Ea Súp (2 ca) và huyện Buôn Đôn (11 ca). Để phòng chống bệnh lây lan rộng, ngành Y tế đã tiến hành giám sát toàn bộ khu vực xung quanh các ổ dịch, thực hiện cách ly bệnh nhân và phun hóa chất khử khuẩn tại gia đình người bệnh và khu vực xung quanh. Đồng thời tiến hành điều tra, lên kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi miễn phí cho trẻ từ 9 tháng đến 15 tuổi, trong đó tập trung chủ yếu ở trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi tại các ổ dịch và vận động những người từ 16 tuổi trở lên chưa tiêm phòng vắc xin sởi đi tiêm dịch vụ vắc xin sởi – rubella.

Rõ ràng, bên cạnh những động thái tích cực của ngành Y tế, để phòng chống bệnh sởi một cách hiệu quả cần có sự chung sức của cả xã hội và từng gia đình trong việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Bởi theo các chuyên gia y tế, sởi là bệnh có tính cảm nhiễm rất cao, nếu một người chưa từng mắc sởi và không được tiêm vắc xin phòng bệnh thì gần như 100% sẽ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Khánh Duy

 

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ