A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sốt xuất huyết: 15 trường hợp tử vong

07:56 | 12/08/2019

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận gần 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 15 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đắk Lắk,...

... Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Quảng Bình, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và Bạc Liêu.

Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể, chán ăn, xuất hiện các nốt phát ban...

So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,3 lần, số tử vong tăng 6 trường hợp, số ca mắc sốt xuất huyết cao, dẫn đầu là Khánh Hòa, tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Phú Yên, TP HCM…

Báo cáo về công tác y tế tháng 7/2019 của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, từ 18/6 đến 18/7, cả nước đã có 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Trong tháng 7, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết gấp 2 lần so với tháng trước và gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Số mắc tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ và tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, trong tuần từ ngày 29/7 đến hết ngày 4/8, ghi nhận 248 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 23 trường hợp mắc sởi, 14 trường hợp mắc tay chân miệng và 9 trường hợp ho gà trên địa bàn thành phố, 248 trường hợp mắc sốt xuất huyết  trong tuần ở 133 xã, phường thuộc 25 quận, huyện, thị xã. Những quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gồm: Nam Từ Liêm (27); Thanh Oai (26); Hà Đông (24); Cầu Giấy (20); Thường Tín, Hoài Đức (17). Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm (từ năm 2014-2018), nhưng dịch bệnh đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội có hơn 1.850 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, 309/584 (chiếm 53%) xã, phường. Một số quận, huyện có số mắc cộng dồn cao như: Hà Đông (330), Nam Từ Liêm (163), Cầu Giấy (151), Thường Tín (140), Đống Đa (132), Bắc Từ Liêm (122), Hoàng Mai (117), Thanh Oai (116).

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 7 tháng qua, số ca tích lũy là 31.787 ca (gồm 18.255 ca nội trú và 13.532 ca nội trú), tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (5 người lớn, 2 thiếu niên), hầu hết các bệnh nhân tử vong đều đến bệnh viện trễ. Ca bệnh là người lớn cũng chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM lưu ý: Trước đây bệnh sốt xuất huyết thường được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên những năm gần đây, số ca bệnh là người lớn tăng khá rõ. Người lớn mắc bệnh, tâm lý chủ quan không theo dõi sát diễn biến, không đi khám bệnh để được bác sĩ hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà trong khi bệnh có thể nhanh chóng trở nặng, rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, TP đã tiếp nhận và điều trị 3.499 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với năm 2018, với tỷ lệ 311 ca mắc/ 100.000 dân. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất là ở huyện Hòa Vang, tăng 4,5 lần so với năm 2018.

“So với năm trước, số ca mắc sốt xuất huyết năm nay nhiều hơn, nhưng tình trạng không quá nặng. Dù vậy, người dân không nên chủ quan điều trị tại gia mà cần phát hiện sớm các dấu hiệu của sốt xuất huyết để kịp thời đến bệnh viện điều trị. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là có sốt, sốt cao liên tục, da bị sưng huyết phát ban, nhức đầu, buồn nôn, chán ăn, nhức mỏi” - bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Oanh - Trưởng khoa Nội tâm thần Trung tâm y tế quận Hải Châu cho biết.

Lý giải trước tình hình dịch sốt xuất huyết tăng cao, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: Mùa hè năm nay nhiệt độ trung bình đều cao hơn so với những năm trước, kèm theo những đợt mưa rải rác, dẫn đến véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) phát triển mạnh. Thêm vào đó, thói quen trữ nước của người dân chưa có nhiều thay đổi; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý triệt để dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy. Ngoài ra, ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết của người dân chưa cao, nhiều người chưa thật sự hợp tác với cơ quan chức năng trong chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, nhất là chưa chủ động diệt bọ gậy thường xuyên.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - lưu ý: Về đặc điểm dịch tễ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên bệnh sốt xuất huyết đã thay đổi nhiều so với trước. Nếu như trước đây, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực có mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao thì nay bệnh đã xuất hiện khắp cả nước, xuất hiện quanh năm. Những trường hợp tử vong, phần lớn là do bệnh nhân chủ quan, đến viện muộn. Hơn nữa, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở những người đã có sẵn bệnh như tiểu đường, bệnh tuyến giáp... hay phụ nữ có thai, khiến bệnh thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm.

Trước tình hình này, trong tháng 8, Bộ Y tế sẽ tiến hành 8 đoàn kiểm tra tại các địa phương: TPHCM, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh.

Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch lan rộng, bùng phát và kéo dài. Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; Huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài. Các địa phương cần tổ chức 3 chiến dịch lớn: Diệt lăng quăng (bọ gậy) ngày từ cuối tháng 7 đến hết năm, tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - cho biết, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véctơ và côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế và chính quyền các địa phương, người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành Y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này.

Trước tiên, người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh để có hướng điều trị kịp thời. Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể, chán ăn. Sốt kéo dài từ 2-5 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - khuyến cáo: Sốt xuất huyết ở người lớn có thể sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Khi đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng không phải nhập viện, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà.   

* Philippines vừa tuyên bố: Đợt dịch sốt xuất huyết lần này là dịch bệnh quốc gia sau khi gây ra hàng trăm ca tử vong trong năm nay. Theo thống kê của Bộ Y tế Philippines, từ tháng 1 đến ngày 20/7 năm nay đã có tới 146.062 trường hợp bị sốt xuất huyết tại quốc gia này; tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 622 người đã tử vong. Đáng chú ý: Trong số 17 khu vực trên toàn Philippines có 7 khu vực đã ghi nhận số ca nhiễm bệnh tăng mạnh tuần thứ 3 liên tiếp. Chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 14-20/7), số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc là 10.502 trường hợp, tăng tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Y tế Philippines cho biết, hiện cơ quan này đang chung tay với chính quyền địa phương, các trường học, văn phòng và cả cộng đồng tiến hành các chiến dịch nhằm tìm kiếm và phá hủy các địa điểm sinh sản của muỗi, vốn là tác nhân chính gây ra dịch bệnh này.

Đức Trân

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ