A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bệnh viện tự chủ: Tốn kém nên thu nhiều!

08:45 | 04/10/2019

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng với những quy định cơ chế tự chủ bệnh viện rất chung chung hiện nay, nếu không sửa thì có thể những người đang làm đúng có khi lại thành sai, "thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" sau này

Sáng 3-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện (BV) công lập.

Lạm dụng các dịch vụ y tế

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến nay, tất cả BV, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 BV đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Đối với các BV do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 có 26/45 BV đã tự chủ chi thường xuyên.

Từ cơ chế tự chủ, năm 2018, kinh phí chi trực tiếp cho các BV giảm được 9.450 tỉ đồng so với 2017. Ngoài ra, toàn ngành giảm được trên 100.000 người hưởng lương từ ngân sách. Với 4 BV đặc biệt đang được thí điểm tự chủ toàn bộ theo Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, số chi ngân sách cắt giảm được trung bình là 1.000 tỉ đồng/BV/năm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có hiện tượng bác sĩ lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, kê thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả

Để thực hiện tự chủ, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiều BV đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các BV đã không phải nằm ghép. Các BV tự chủ cũng tiết kiệm chi, tăng nguồn thu, tăng thu nhập và chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ nước ngoài.

"Phục vụ con người là mục tiêu cao nhất. Cái được nhất là chỉ số hài lòng của bệnh nhân. Khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho thấy chỉ số hài lòng của người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8%. Đây là con số vượt cả mong đợi" - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế đánh giá tự chủ có tồn tại, bất cập. Đó là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Ngoài ra, còn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH - bà Nguyễn Thúy Anh - cũng cho biết qua giám sát của ủy ban cho thấy do còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và góp phần bội chi Quỹ BHYT.

"Giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì!"

Đại biểu QH, GS-TS Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, chỉ ra nhiều vướng mắc như giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các đơn vị, các tỉnh - thành, BV nên chưa tính đúng, tính đủ, thu lên, thu chênh; có hiện tượng đặt máy, gửi máy để hưởng chênh lệch. Ông Trí cũng băn khoăn về cơ chế tự chủ bởi có nơi giao "tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì" hay được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân một số BV tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để "móc túi" bệnh nhân.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, rất băn khoăn trước nguy cơ tư nhân hóa BV công lập. "Chúng ta đi theo con đường tự chủ là chính xác nhưng đừng bao giờ cổ phần hóa BV công và đừng bao giờ áp dụng Luật Doanh nghiệp với cơ sở y tế. Nếu chúng ta cổ phần hóa, sẽ lâm ngay vào tình trạng bất cập..." - ông Quyết nhấn mạnh.

Giải trình trước các đại biểu QH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận nếu tính đúng, tính đủ, chất lượng dịch vụ được nâng lên thì giá dịch vụ y tế phải cao hơn. Mấu chốt của vấn đề tự chủ là muốn chất lượng tốt phải có nguồn thu để chi trả; thu hút cán bộ chất lượng cao, xây dựng mới cơ sở vật chất… rất tốn kém nên BV phải thu nhiều. "Vì vậy, hiện tượng bác sĩ lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, lạm dụng xét nghiệm, kê thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả, kéo dài thời gian nội trú, là có" - Bộ trưởng nhận định và cho biết giải pháp là phải có định mức, thanh tra, kiểm toán đồng thời, ngành y tế tăng cường giám sát.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định chắc chắn tự chủ BV có ảnh hưởng đến quyền lợi của người nghèo do các BV tuyến trên chỉ có bệnh nhân nặng mới chuyển lên và đương nhiên ở đây có phòng dịch vụ cho người nước ngoài, cho người giàu. Tuy nhiên, người nghèo nếu có BHYT đúng tuyến, tuyến tỉnh chuyển lên thì vẫn được hưởng quyền lợi. Như vậy, người nghèo vẫn được hưởng lợi ích từ việc tự chủ BV. Hiện nay, các BV tuyến trên vẫn có đến 60% nguồn thu từ bệnh nhân BHYT. 

Bác sĩ giỏi nản lòng vì cơ chế

Đại biểu QH Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội, cho hay việc giảm biên chế, tự chủ tài chính khiến nhiều nhân viên y tế không còn trong biên chế nhà nước mà do BV tự trả lương. Mặc dù vậy, theo luật hiện hành, BV lại không thể bổ nhiệm cán bộ nếu đó không phải là công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận do vướng nhiều quy định, có tình trạng bác sĩ giỏi nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn, dẫn đến chán nản, chuyển sang làm tư nhân.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ