A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hậu Covid-19, tiêm chủng để chặn nguy cơ dịch bệnh

07:38 | 29/05/2020

Sau thời gian tạm hoãn để phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 23-4, việc tiêm chủng thường xuyên đã được tổ chức trở lại.

Tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin để phòng chống dịch bệnh rất cần thiết cho trẻ, tránh tình trạng nhiều bệnh dịch nguy hiểm tấn công sức khỏe trẻ

Trước tình hình đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo về nguy cơ cao bùng phát bệnh, dịch đối với các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin và khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục duy trì công tác tiêm chủng thường xuyên ở những nơi có khả năng tiến hành tiêm chủng an toàn, nhất là tiêm chủng vắc-xin phòng các bệnh dễ gây dịch như sởi, bại liệt, bạch hầu và ho gà...

Toàn quốc tạm dừng tiêm chủng vì dịch Covid-19

Tại Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ dưới một tuổi trên quy mô toàn quốc chỉ đạt 20,3%, chưa đạt tiến độ yêu cầu (trên 23,8%), tỉ lệ tiêm đủ liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib đạt 20,5%, trong đó có những tỉnh chỉ đạt khoảng 15%. Đáng chú ý, 3 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 617 ca sởi tại 35 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều tỉnh có hơn 20 trường hợp. Ngoài ra, 30 trường hợp mắc bệnh ho gà rải rác tại 16 tỉnh, thành phố; ba trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại Kon Tum... Điều này cho thấy nguy cơ xuất hiện dịch bệnh nếu không duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao. Ngoài 8 loại vắc-xin cần tiêm chủng cho trẻ dưới một tuổi thì các bà mẹ cũng cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản khi trẻ đủ một tuổi để chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus viêm não Nhật Bản là bệnh có xu hướng tăng cao trong các tháng hè.

GS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết trung bình mỗi tháng có khoảng 140.000 trẻ tiêm chủng khoảng 400.000 mũi tiêm. Ngày 25-4 vừa qua là buổi tiêm chủng đầu tiên sau gần 1 tháng tạm ngừng tiêm do dịch Covid-19.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Đừng quay lưng với vắc-xin

Để bắt đầu tiêm chủng trở lại, các điểm tiêm chủng sẽ hẹn theo giờ, mỗi thời điểm không quá 20 trẻ. Các điểm tiêm chủng bố trí theo hình thức một chiều, từ đón tiếp, khám phân loại, tư vấn, tiêm chủng và chờ theo dõi sau tiêm. Tất cả người đưa trẻ đi tiêm chủng đều được đo thân nhiệt trước khi vào điểm tiêm. Trước ngày tiêm chủng, các cán bộ y tế khám sàng lọc các đối tượng trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp, người đưa trẻ đi tiêm chủng các dấu hiệu ho, sốt… nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 để chủ động tư vấn không đưa trẻ đi tiêm chủng. Tại các buổi tiêm chủng, cán bộ y tế phải hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Đồng thời thường xuyên vệ sinh sạch sẽ điểm tiêm chủng, khử khuẩn trước và sau buổi tiêm. Các điểm tiêm chủng bố trí vị trí thông thoáng, đủ ghế ngồi chờ và bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các đối tượng. Theo PGS Hồng, 3 tháng đầu năm 2020 do có dịch bệnh Covid-19 nên lượng trẻ đến tiêm chủng có giảm so với thông thường. "Thông thường đạt 22% - 24%/tổng số trẻ sinh ra trong năm nhưng 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 20%. Trong khi tháng 5 tới sẽ bắt đầu mùa dịch viêm não Nhật Bản B và một số bệnh truyền nhiễm khác, nguy cơ có thể bùng phát dịch nếu không bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng" - bà Hồng lo ngại.

Hiện nay đang là mùa viêm não Nhật Bản do đó phụ huynh cần đặc biệt lưu ý cho trẻ từ 1 - 3 tuổi tiêm phòng đầy đủ các mũi, đặc biệt là các mũi nhắc lại. Viêm não Nhật Bản là bệnh để lại di chứng nặng nề, gây tử vong cao, do vậy bước vào mùa hè, các quận, huyện, phường, xã phải tăng cường tuyên truyền để phụ huynh cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh vai trò quan trọng của vắc-xin trong phòng, chống bệnh tật đã được nhiều nhà khoa học, bác sĩ và cả cộng đồng khẳng định. Trẻ nhỏ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao, có thể để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ... "Việc tiêm chủng các vắc-xin cơ bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là cần thiết và là yêu cầu bắt buộc đối với trẻ em và phụ nữ có thai, để bảo đảm những thế hệ trẻ em khỏe mạnh. Việc tuyên truyền sai sự thật về lợi ích cũng như nguy cơ của việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các bậc cha mẹ. Nếu nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, cộng đồng không được bảo vệ và tất yếu là bệnh dịch sẽ quay trở lại" - GS Đức Anh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Khánh Anh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/suc-khoe/hau-covid-19-tiem-chung-de-chan-nguy-co-dich-benh-20200528173144359.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ