A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghiện game online dễ bị loạn thần

09:31 | 20/07/2020

Trò chơi điện tử trực tuyến (game online) là loại hình giải trí trong thế giới ảo. Là trò giải trí song game online là một "con dao hai lưỡi", có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của người chơi nếu không biết cách kiểm soát,...

... sắp xếp thời gian chơi game hợp lý, có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với người chơi, như: bỏ học, hoang tưởng, rối loạn tâm lý, thậm chí vướng vào vòng lao lý…

Do quá bận rộn nên vợ chồng chị T.T.H. (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) ít dành thời gian quan tâm, quản lý con. Cậu con trai học lớp 7 của chị hay xin tiền học thêm môn này, môn kia nhưng thực chất là để đi chơi game online mà vợ chồng chị không hề hay biết. Mãi đến khi cháu có biểu hiện học hành sa sút, giáo viên chủ nhiệm thông báo cháu cúp học thường xuyên không có lý do thì vợ chồng chị H. mới biết cháu nghiện game, trốn học. Tuy gia đình đã hết lời khuyên răn, dọa nạt nhưng cháu vẫn không dứt được game. Từ ngày nghiện game online, tính tình cháu thay đổi hẳn; từ một cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn, hay vâng lời bố mẹ thì giờ cháu dễ nổi cáu, khó chịu mỗi khi bố mẹ nhắc nhở học hành.

Trẻ nghiện game online khiến mọi chế độ sinh hoạt bị đảo lộn. Ảnh: Internet

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chung (khoa Động kinh, nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng - Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk), nghiện game là dạng bệnh chưa có trong bảng mã bệnh nhưng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào một dạng bệnh tâm thần. Dấu hiệu của người nghiện game là hành vi liên tục chơi game hoặc tái phát chơi game (chơi online hoặc offline). Người được xác định nghiện game hay mắc rối loạn chơi game khi có các dấu hiệu: khó điều khiển được bản thân khỏi game; coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống; mọi chế độ sinh hoạt bị đảo lộn, quên ăn, quên ngủ, quên cả chuyện học, đầu óc luôn ám ảnh những nhân vật trong game. Bên cạnh đó, việc chơi game online thường xuyên còn khiến giấc ngủ người chơi không ổn định, ngủ không sâu. Nếu ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm, về lâu dài rất có hại với sức khỏe và não bộ, cơ thể rất dễ bị suy nhược, kiệt sức, giảm trí nhớ, không tập trung. Lâu dần sẽ mắc hội chứng rối loạn tâm lý vì game online và được coi là tình trạng bệnh nghiện game.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng, số người chơi game online tại Việt Nam ngày càng tăng. Còn theo Báo cáo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam mới nhất, có đến 38% trẻ vị thành niên dùng thời gian rảnh rỗi để chơi game. Còn tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng vài năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân nghiện game online bị các triệu chứng như: loạn thần, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc… đang ngày càng gia tăng; các trường hợp mắc bệnh chủ yếu ở lứa tuổi vị thành niên.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chung, các game online thịnh hành trên thị trường thường là game bạo lực, gây ra những tác động xấu về nhận thức và hành động. Người nghiện game tin rằng thế giới thực giống thế giới ảo trong trò chơi, từ đó dẫn đến những cư xử và hành động giống như trong trò chơi; thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Đây cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này cũng như giải thích các động cơ của nhiều tội phạm nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Đơn cử mới đây nhất là vụ nam thanh niên 17 tuổi (học sinh lớp 11) bị ảo giác từ game online đã thực hiện vụ bắt cóc dẫn đến cái chết của bé trai 5 tuổi tại Nghệ An. Hay phạm nhân Triệu Quân Sự (đang chấp hành án chung thân tại Trại giam T10, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng vì mê game mà giết người, cướp của, sau đó vượt ngục, bỏ trốn ra ngoài; đến khi bị bắt, đối tượng này vẫn đang chơi game tại một quán Internet ở tỉnh Quảng Nam.

Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là trẻ nghiện game ngày càng gia tăng do nhiều phụ huynh thiếu kiến thức cũng như không lường hết hậu quả của loại hình giải trí này. Phụ huynh quá dễ dàng trong việc đáp ứng những đòi hỏi của con cái từ tiền bạc, điện thoại, máy tính bảng, máy chơi game… mà hoàn toàn không kiểm soát được những hoạt động của con trên các thiết bị thông minh đó. 

Vì vậy, để trẻ không nghiện game online, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, gần gũi, chia sẻ với trẻ, khuyến khích con tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng, vui chơi theo lứa tuổi để tránh phụ thuộc vào thiết bị công nghệ. Nếu phát hiện con mình có những biểu hiện như: lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai… thì nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, phát hiện sớm tình trạng nghiện game để có biện pháp điều trị kịp thời.

Game online là một trò chơi gây “nghiện” mạnh tương đương với một số loại ma túy tổng hợp. Cũng giống như nghiện ma túy, nếu càng cấm, trẻ càng tìm cách để chơi. Và khi cơn “nghiện” nổi lên trẻ sẽ không kiềm chế được. Ở mức độ nhẹ thì bỏ ăn uống, học hành sa sút, nặng hơn thì cáu bẳn, hay sinh sự, kích động, quậy phá, cao hơn nữa là loạn thần, bị ảo giác chi phối. Khi nghiện game online đã ở mức loạn thần, bị ảo giác chi phối thì việc điều trị bệnh vô cùng khó khăn, khó phục hồi thói quen, tâm lý và nhân cách của người bệnh.

Mỹ Hạnh

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3490/202007/nghien-game-online-de-bi-loan-than-5691313/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ