A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lưu ý khi tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu

07:53 | 17/08/2020

Hiện nay, có rất nhiều tình huống khiến các bậc phụ huynh bối rối không biết nên tiêm chủng cho con mình và bản thân như thế nào, chọn loại vắc xin gì, tiêm bao nhiêu mũi, khi nào nên tiêm nhắc lại…?

Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc các cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế bảo đảm độ an toàn cần thiết, kích thích cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.

 

Vắc xin giúp nâng cao khả năng đề kháng bệnh tật của cơ thể. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại vắc xin. Có loại chỉ giúp phòng ngừa được duy nhất một bệnh; có loại giúp phòng được 2, 3, 4, 5 thậm chí 6 bệnh trong cùng một mũi tiêm, gọi là vắc xin phối hợp.

 

Các nhà khoa học cũng như các hãng vắc xin hiện đang cố gắng chế tạo vắc xin phối hợp phòng ngừa được càng nhiều bệnh càng tốt vì chúng có nhiều ưu điểm: giảm số mũi tiêm cho trẻ (chỉ tiêm một mũi nhưng phòng được nhiều bệnh), không phải đến cơ sở y tế nhiều lần, dễ nhớ lịch tiêm cho trẻ…

 

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu là vắc xin có chứa thành phần ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu nhưng đã làm mất tính độc, do đó vẫn giữ được tính kháng nguyên giúp kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Có thể chỉ là vắc xin phòng bệnh bạch hầu đơn thuần, hoặc phối hợp phòng bệnh bạch hầu với các bệnh khác như uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ do Hib (Hemophilus influenza type B). Tại Việt Nam, hiện không có vắc xin phòng bệnh bạch hầu đơn thuần, chỉ có vắc xin phối hợp để ngừa chung với các bệnh khác. 

 

Ảnh minh họa: Internet

Khi tiêm ngừa phòng bệnh bạch hầu, chúng ta cần lưu ý các điểm sau: vắc xin đó phải chứa thành phần bạch hầu, trẻ đã được tiêm vắc xin phòng bạch hầu bao giờ chưa, tiêm bao nhiêu mũi, mũi tiêm cuối cùng cách đây bao lâu, loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được tiêm (đơn thuần hay phối hợp) phòng bao nhiêu bệnh, hiện nay trẻ bao nhiêu tuổi?

 

Từ khi sinh ra, trẻ phải được tiêm ngừa đúng lịch và vắc xin phòng bệnh bạch hầu được tiêm mũi đầu tiên lúc trẻ 2 tháng tuổi. Lịch tiêm cơ bản phòng bệnh bạch hầu cho trẻ như sau: lúc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng tuổi và nhắc lại lúc trẻ 16 - 18 tháng tuổi, tổng cộng là 4 mũi tiêm. Thường mũi tiêm nhắc này (mũi 4) được thực hiện sau mũi tiêm thứ 3 (lúc trẻ 4 tháng tuổi) là 12 tháng.

 

Điều cần lưu ý là vắc xin phòng bạch hầu cho trẻ từ 4 tuổi trở lên phải là loại vắc xin có thành phần bạch hầu với nồng độ thấp. Đây là vấn đề rất quan trọng vì trẻ nhỏ sẽ được tiêm loại vắc xin có thành phần bạch hầu với nồng độ bình thường, trẻ lớn và người lớn phải được tiêm loại vắc xin có thành phần bạch hầu với nồng độ thấp hơn, nếu không sẽ rất dễ bị phản ứng với vắc xin, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

Trong giai đoạn này, tất cả trẻ đều được tiêm vắc xin bạch hầu dạng phối hợp phòng ngừa được nhiều bệnh (từ 3 đến 6 bệnh). Trẻ cần được tiếp tục tiêm nhắc lúc 4 – 6 tuổi và lúc 9 – 15 tuổi (tuổi vị thành niên); sau đó tiếp tục tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. 

Trên thực tế, có rất nhiều phụ huynh không cho con tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa không đúng lịch. Nếu ở hoàn cảnh trên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng mà cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có điều kiện và mũi tiêm sẽ được đếm tiếp cho đến khi đủ 4 mũi cơ bản. Ví dụ, trẻ 7 tháng tuổi đến cơ sở y tế để tiêm ngừa phòng bệnh bạch hầu (trước đó, trẻ đã được tiêm 2 mũi phòng bệnh bạch hầu lúc 2 và 3 tháng) thì mũi tiêm tại thời điểm 7 tháng này được xem là mũi thứ 3 và trẻ sẽ được tiêm nhắc lại (mũi 4) sau 12 tháng nữa (tức là lúc trẻ 19 tháng). 

 

Đối với người lớn, để phòng bệnh bạch hầu có thể tiêm vắc xin Td (ngừa uốn ván, bạch hầu) hoặc Boostrix, Adacel (ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà). Đây là các loại vắc xin có thành phần bạch hầu với nồng độ thấp, phù hợp cho trẻ lớn và người lớn. Vắc xin này sẽ được tiêm 3 mũi (nếu chưa tiêm phòng bạch hầu): mũi 1, mũi 2 sau đó 1 tháng và mũi 3 cách mũi 1 ít nhất 6 tháng.

 

Tóm lại, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Do đó, nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và người lớn cũng phải được tiêm chủng phòng ngừa bệnh bạch hầu ngay từ bây giờ vì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh bạch hầu chỉ xuất hiện sau khi tiêm ngừa 4 tuần.

 

PGS. TS. BS Bùi Quốc Thắng

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3490/202008/luu-y-khi-tiem-vac-xin-ngua-benh-bach-hau-5695795/

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ