A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mùa mưa sốt xuất huyết gia tăng

08:05 | 21/09/2020

Thông tin từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến ngày 15/9, cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

 So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên, theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa, số mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.

Cách kiểm soát sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả nhất là xua muỗi, diệt muỗi, diệt bọ gậy ở những nơi muỗi thường đẻ trứng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm, vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. 

Tại Việt Nam, bệnh SXH đã giảm trong những năm gần đây; tỷ lệ mắc, tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang mùa mưa bão, khu vực miền Bắc bước vào mùa thu, đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. 

Cục Y tế dự phòng cho biết, dịch SXH trong thời gian tới vẫn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc. Nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nước sạch, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen tích trữ nước trong lu, bể, dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản. Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh, thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh cùng với điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô cũng là yếu tố giúp muỗi truyền bệnh SXH phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn.

Nước ta hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên một người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người bệnh cũng sẽ trở thành nguồn lây nếu muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này. 

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 1.900 bệnh nhân mắc SXH, phân bố tại 332 xã, phường của 29 quận, huyện, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) và phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm).

Theo BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân SXH có thể được chỉ định điều trị tại nhà, không cần nhập viện. Khi đó, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát. BS Cường nhấn mạnh, 3 ngày đầu, bệnh nhân chỉ có phản ứng sốt, cần được theo dõi sát. Đặc biệt chú ý tới bệnh nhân trong ngày thứ 4-7 khi mắc bệnh. Nếu người bệnh mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh, cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để điều trị, tránh biến chứng.

TS.BS Nguyễn Thanh Vân -Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị) cũng cho biết, do đặc điểm của bệnh SXH là bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi nên ăn uống sẽ kém đi. Đặc biệt, trong sốt xuất huyết sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương, gây tình trạng cô đặc máu, vì vậy trong chế độ ăn uống cho người SXH quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống Oresol.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy, việc phòng chống bệnh SXH hiện nay chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây bệnh. Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng El Nino, phương tiện giao thông hiện đại, đô thị hóa không kiểm soát, di biến động dân cư làm công tác phòng, chống SXH trở nên khó khăn hơn. 

Về dịch bệnh này, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh: Phòng chống SXH là bài toán nan giải của quốc tế chứ không riêng Việt Nam. Hiện nay, giải pháp chính để phòng, chống sốt xuất huyết là giảm véc tơ, tức là giảm muỗi thông qua việc giảm bớt các dụng cụ chứa nước là nơi sản sinh ra bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, nâng cao nhận thức, hành động của người dân về phòng bệnh...

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, để phòng ngừa SXH, người dân nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm, loại bỏ các khu vực có ao tù, nước đọng, diệt bọ gậy (loăng quăng) để ngăn chặn muỗi truyền bệnh sinh sôi và tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay. Khi có triệu chứng sốt cao liên tục không thuyên giảm, mọi người nên tới bệnh viện để khám, điều trị kịp thời.

Không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt

TS.BS Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị) cảnh báo khi sốt mà có 5 dấu hiệu dưới đây thì người dân cần đến ngay bệnh viện:

- Tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì

- Nôn tăng

- Tự dưng kêu đau bụng hoặc tăng cảm giác đau

- Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn

- Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam...

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt, tránh nguy cơ gây sốc.

THANH MINH

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/mua-mua-sot-xuat-huyet-gia-tang-507927.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ