A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phòng bệnh lao như ngừa Covid-19

10:39 | 03/04/2021

Hiện toàn thế giới có hơn 127 triệu người mắc Covid-19, trong khi bệnh lao 10 triệu người và bệnh lao hiện hữu ở 190 quốc gia, vùng lãnh thổ

Hiện nay, dù nhân loại đang nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19 nhưng cũng không được quên rằng còn đó các bệnh truyền nhiễm khác vẫn rất nguy hiểm. Lao chính là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Cùng đường lây, triệu chứng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM dẫn ra một câu chuyện buồn của thiếu nữ 17 tuổi vì thiếu hiểu biết về bệnh lao. Thiếu nữ này vào viện trong tình trạng sút cân, ho, sốt. Tuy tình trạng này diễn ra trong nhiều tháng nhưng bệnh nhân không đi khám vì cho rằng đó chỉ là những biểu hiện của bệnh hô hấp thông thường. Cho đến khi thay đổi tri thức, lú lẫn, bệnh nhân mới đến bệnh viện thăm khám thì đã quá muộn và thiếu nữ này đã tử vong vì lao màng não.

Đây chỉ là một trong những trường hợp cụ thể rất đau xót trong những trường hợp phát hiện bệnh muộn. Cha của bệnh nhân này từng mắc lao và tử vong vì bệnh lao cách đây 3 năm. Nhưng do mặc cảm, thiếu hiểu biết về bệnh lao, đã đẩy bệnh nhân đến kết cục đau lòng này.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hoài Minh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM, những người mắc bệnh Covid-19 và bệnh lao có những triệu chứng tương tự như: ho, sốt và khó thở. Cả hai bệnh, thì phổi là mục tiêu chủ yếu bị tấn công. Thời gian ủ bệnh từ khi tiếp xúc trong bệnh lao dài hơn và thường khởi phát chậm so với Covid-19.

Phát hiện sớm và tuân thủ nghiêm liệu trình điều trị sẽ chữa khỏi được bệnh lao. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Sự lây truyền bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì trực khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí và tồn tại trong môi trường sống với thời gian dài. Vi khuẩn lao tồn tại dưới các hạt mịn có kích thước rất nhỏ dưới 5 micro mét lơ lửng trong không khí vài giờ do giọt bắn của người bệnh lao phổi ho, hắt hơi, la hét hoặc hát. Những người hít phải có thể bị nhiễm bệnh.

Kích thước của các hạt bụi nhỏ giọt bắn này là một yếu tố chính quyết định sự lây nhiễm bệnh lao và nồng độ của vi khuẩn lao trong không khí sẽ giảm khi có sự thông gió và tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Hơn nữa, vi khuẩn lao có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống trong thời gian dài.

Ngoài phổi, vi khuẩn lao có thể phát triển ở các vị trí khác trong cơ thể như thận, màng não… Các triệu chứng của bệnh lao phụ thuộc vị trí vi khuẩn lao đang phát triển trong cơ thể. Nếu vi khuẩn lao phát triển trong phổi (lao phổi) gây ra các triệu chứng như: ho khạc đàm kéo dài 3 tuần hoặc lâu hơn; đau ở ngực; ho ra máu. Các triệu chứng khác của bệnh lao là: suy nhược hoặc mệt mỏi; giảm cân; chán ăn; sốt nhẹ về chiều; đổ mồ hôi vào ban đêm.

Đồng hồ đang điểm ngược

Việc phát hiện sớm, điều trị sớm là điều kiện tiên quyết kiểm soát lao. Trong khi đáng tiếc là nhiều người phát hiện lao khá muộn.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, hiện nay chưa thu nhận đủ 40% người mắc lao trong cộng đồng. Lo lắng nhất những người mắc lao mà không đến cơ sở y tế chính là nguồn lây ra môi trường bên ngoài.

TS-BS Đỗ Châu Giang, Tổng Thư ký Hội Lao - Bệnh phổi TP HCM, cho biết hiện Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có độ lưu hành lao cao nhất thế giới. Theo nghiên cứu, 30% người dân trưởng thành của Việt Nam (khoảng 22-30 triệu người) nhiễm lao. Chúng ta đang sống trong cộng đồng có số người nhiễm lao cao nên dễ nhiễm lao.

Ở người bình thường không có bệnh nền, không bị đái tháo đường, không nhiễm HIV, không suy giảm miễn dịch thì khả năng mắc lao là 10% trong suốt cuộc đời của mình. Ngược lại, người bị nhiễm HIV/AIDS thì tỉ lệ nhiễm lao sẽ là 10%/năm. Thế giới công bố có 1/3 dân số bị nhiễm lao, 3 người có 1 người nhiễm, tập trung 30 nước, Việt Nam đứng thứ 16, tại phía Nam gấp đôi phía Bắc. Nguy cơ nhiễm bệnh lao là rất cao không loại trừ một ai. Vì vậy, phát hiện sớm là chìa khóa kiểm soát bệnh lao.

Năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi thông điệp "Đồng hồ đang điểm" với lời nhắn không còn nhiều thời gian để hành động. Tỉ lệ mắc lao có giảm mỗi năm 3,8%, đặc biệt trong số này số lao phổi mới mỗi năm giảm 3%.

Tuy nhiên, với tốc độ giảm này thì phải nhiều năm nữa, thậm chí là sau năm 2050, mới giảm xuống mức thấp theo như mục tiêu WHO đề ra. Báo cáo năm 2020 của WHO cho biết Việt Nam có khoảng 170.000 trường hợp lao mắc mới mỗi năm, trong đó có 9.400 trường hợp tử vong do lao. Phần lớn các ca tử vong do chưa được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Hầu hết những người bị nhiễm lao không bao giờ phát triển thành bệnh lao mà có thể ở dạng tiềm ẩn (nhiễm lao tiềm ẩn), vi khuẩn lao chưa gây hại cho cơ thể và không có triệu chứng. Nếu phát triển thành bệnh lao, nó có thể xảy ra từ 2 đến 3 tháng sau khi nhiễm trùng hoặc nhiều năm sau đó. Khi đã mắc bệnh lao thì phải điều trị lâu dài, kéo dài nhiều tháng và cần phải tuân thủ nghiêm liệu trình điều trị.

XUÂN THU

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/suc-khoe/phong-benh-lao-nhu-ngua-covid-19-20210331211131284.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ