A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người mắc tiền sử phản vệ độ 2 trở lên: Chống chỉ định tiêm vaccine cùng loại

10:11 | 20/07/2021

“Một người đi tiêm vaccine Covid-19 tại bệnh viện, khám sàng lọc, được khuyến nghị nên test dị ứng trước khi tiêm. Sau khi test một vài phút thì bắt đầu thấy hoa mày chóng mặt và tối sầm lại, người không vững...

 Bác sĩ nói đấy là sốc phản vệ, phải nằm lại viện thêm 2 ngày để theo dõi”. Thông tin này sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi: Liệu có phải test vaccine trước khi tiêm phòng?

Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19.  

Mặc dù đây là thông tin được đăng trên mạng xã hội, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có một số trường hợp trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm, khi khai báo có tiền sử dị ứng mề đay, dị ứng kháng sinh, dị ứng thời tiết… được bác sĩ khuyến nghị nên test vaccine trước khi tiêm. Chi phí cho 1 lần test là 1,1 triệu đồng. Sau khi test khoảng 20-30 phút, nếu không xuất hiện các phản ứng bất thường là có thể tiêm được.

Vậy với những người có tiền sử dị ứng, có cần thiết phải test vaccine trước khi tiêm không? Về vấn đề này, theo PGS. TS Hoàng Thị Lâm, Trưởng khoa Dị ứng, Miễn dịch & Da liễu, Bệnh viện E, vaccine cũng giống như các thuốc khác đều có tiềm năng gây dị ứng, và bất kỳ thành phần nào của vaccine cũng có thể đóng vai trò là một dị nguyên.

Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng hơn 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.890.947 người; Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 294.676 người. Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam (khoảng 75 triệu người) trong độ tuổi chỉ định phải tiêm chủng vaccine.

Tuy nhiên không phải ai cũng bị dị ứng vaccine, chỉ có những người có cơ địa dị ứng mới có nguy cơ dị ứng vaccine. Những người có cơ địa dị ứng là những người bản thân hoặc có thành viên trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng vaccine, hen phế quản, viêm mũi dị ứng…

PGS. TS Lâm cho biết, hiện nay, có rất nhiều phác đồ hướng dẫn cách tiếp cận và chẩn đoán dị ứng vaccine ở những người có cơ địa dị ứng. Theo đó, với những người có cơ địa dị ứng cần có các cách tiếp cận thích hợp với từng đối tượng bằng các phương pháp như thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm, các thủ thuật hoặc các test kích thích với chính bản thân vaccine/hoặc thành phần vaccine. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thăm khám lâm sàng để nhận biết những người có nguy cơ dị ứng vaccine.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM - cố vấn chuyên môn hệ thống tiêm chủng VNVC cho rằng, một người bị dị ứng kinh niên thì mới đi xét nghiệm dị ứng thành phần, còn những người bình thường thì không cần xét nghiệm, đặc biệt trong tiêm chủng không cần thiết làm xét nghiệm vì nó không có giá trị.

“Nếu có làm xét nghiệm, cũng không chắc các xét nghiệm đó chính xác hoàn toàn với các thành phần trong vaccine hay không? Do vậy theo tôi, điều quan trọng là  nếu người tiêm có tiền sử dị ứng nhẹ vẫn nên chích vaccine, nhưng phải tiêm tại bệnh viện, nơi được trang bị đầy đủ dụng cụ để các bác sĩ có thể xử lý những vấn đề phát sinh sau khi tiêm”, BS Khanh nói.

Cùng quan điểm này, PGS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo test dị ứng vaccine Covid-19. Theo PGS Hồng, WHO cho rằng test dị ứng vaccine không có ý nghĩa. Hiện không nước nào trên thế giới test dị ứng vaccine.

“Vaccine ngừa Covid-19 đã được Việt Nam kiểm định kỹ lưỡng, không cần thiết test dị ứng vaccine. Khi tiêm, nếu người được tiêm xuất hiện các phản ứng phụ cán bộ y tế sẽ xử lý ngay lập tức. Các đơn vị tiêm chủng luôn được yêu cầu chủ động chuẩn bị tổ cấp cứu để cứu chữa khi người tiêm bị phản vệ”, PGS Hồng nói.

Theo các nhà dị ứng học và miễn dịch học của Mỹ, phản ứng dị ứng thực sự với vaccine là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu những người đã có phản ứng dị ứng với liều đầu tiên của vaccine Covid-19 thì không nên tiêm liều thứ hai. CDC Mỹ cũng khuyến cáo những người được tiêm vaccine nên được theo dõi 15-30 phút nếu họ có tiền sử dị ứng hoặc sốc phản vệ.

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế thay thế mẫu Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Cụ thể, mẫu phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vaccine mới được bổ sung 3 nội dung sàng lọc, gồm: Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; đã tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19. Theo hướng dẫn mới này, những người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng vaccine cùng loại.

VIỆT HÀ

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/nguoi-mac-tien-su-phan-ve-do-2-tro-len-chong-chi-dinh-tiem-vaccine-cung-loai-5658328.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ