A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Không chủ quan với các dấu hiệu của bệnh sỏi thận

10:32 | 06/08/2022

Dù đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh sỏi thận hoặc đã được chẩn đoán sỏi thận song nhiều người vẫn chủ quan không đi khám, điều trị,...

....thậm chí tự điều trị tại nhà khiến bệnh nặng hơn, dẫn tới suy thận phải chạy thận nhân tạo hoặc thậm chí phải cắt bỏ thận.

Phát hiện mắc bệnh sỏi thận vào 20 năm trước, đã phẫu thuật 3 lần ở nhiều bệnh viện nhưng gần đây ông Nguyễn Sơn (trú huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) thấy sức khỏe yếu, không có khả năng lao động như lúc trước, đau vùng lưng âm ỉ. Tưởng đau cột sống, ông Sơn tự mua thuốc uống song không đỡ; đi khám thì được các bác sĩ chẩn đoán mắc sỏi san hô tái phát 2 bên thận, thận ứ mủ, suy thận, có khả năng phải cắt thận bên phải, suy thận không hồi phục. Sau khi đánh giá tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã quyết định phẫu thuật tán sỏi qua đường hông lưng cho ông Sơn. Nhờ vậy, ông Sơn giữ được 2 quả thận, sức khỏe đã hồi phục. Ông cho biết: “Trước đây, do làm phẫu thuật nhiều lần nên sau đó tôi tìm rất nhiều bài thuốc tan sỏi để uống, ai chỉ đâu là tôi uống đó. Khi nghe tin phải cắt bỏ thận, tôi và gia đình đều buồn bã, suy sụp. Rất may, nhờ các bác sĩ Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu mà tôi đã giữ được thận của mình và sức khỏe đang hồi phục tốt”.

Các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phẫu thuật tán sỏi cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Nhật

Ông Nguyễn Văn Hưởng (trú huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cũng vừa được phẫu thuật tán sỏi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Trước đó, ông có biểu hiện đau, tức, co thắt, ứ nước không đi tiểu được nên gia đình đưa ông vào khám tại Bệnh viện huyện Đắk R’lấp. Kết quả siêu âm cho thấy ông bị sỏi niệu quản, ứ nước thận độ I và tắc đường niệu quản. Sau khi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ông Hưởng được các bác sĩ phẫu thuật tán sỏi, đến nay sức khỏe của ông đã tiến triển tốt.

Theo thống kê của Hội Tiết niệu Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk nằm trong vùng dịch tễ, lượng bệnh nhân mắc sỏi thận cao hơn các tỉnh khác. Qua nghiên cứu, các nhóm bệnh nhân lao động chân tay như thợ hồ, làm rẫy… có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận cao. Hiện nay, bệnh nhân mắc sỏi thận càng ngày càng tăng. Hiện Khoa Ngoại thận – Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đang quá tải, số bệnh nhân sỏi thận chiếm tới 2/3 trong khoa. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại thận – Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân uống ít nước. Quá trình lao động, vã mồ hôi, mất nước khiến nước tiểu bị cô đặc, tạo ra những tinh thể nhỏ, qua thời gian, các tinh thể lắng đọng sẽ to dần tạo thành sỏi. Ngoài ra các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, gout hoặc dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, viêm nhiễm đường tiết niệu cũng có thể tạo sỏi. Khi mắc sỏi thận, nước tiểu bệnh nhân không xuống được bàng quang, gây bế tắc, ứ nước khiến thận bị tổn thương do giãn nở, viêm nhiễm, lâu dần dẫn tới suy thận khiến sức khỏe bệnh nhân giảm sút nhanh chóng. Khi suy thận, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo tuần 3 lần gây tổn hại về sức khỏe, tốn kém về tiền của. “Hiện nhiều người dân còn rất chủ quan, không thăm khám, điều trị kịp thời khi bệnh xuất hiện các triệu chứng. Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ có biểu hiện đau, qua giai đoạn sau sẽ không còn biểu hiện đau, chỉ tức lưng khiến nhiều người nhầm tưởng bị đau lưng, đến giai đoạn sốt cao, thận ứ mủ mới đi khám thì thận đã mất chức năng nên buộc phải chạy thận nhân tạo”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Bác sĩ tư vấn cho một bệnh nhân vừa được phẫu thuật tán sỏi san hô thành công. Ảnh: Quang Nhật

Cũng theo bác sĩ Hoàng, nhiều người siêu âm thấy có sỏi nhỏ, chủ quan không điều trị, về tự mua thuốc uống. Song, thực tế hiện nay trên thị trường không hề có thuốc tan sỏi, người bệnh không nên tự ý mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc uống cho tan sỏi bởi nhiều khi “lợi bất cập hại”, vô tình khi uống các loại thuốc này vào tạo thêm gánh nặng cho 2 quả thận gây ra suy thận.

“Hiện nay, Khoa Ngoại thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175 hỗ trợ về các kỹ thuật và điều trị để giúp các bệnh nhân mắc bệnh thận có thể điều trị tại chỗ, không phải xuống TP. Hồ Chí Minh. Với các kỹ thuật như tán sỏi ngược dòng, tán sỏi qua da, mổ tách cơ kèm tán sỏi…, Khoa Ngoại thận – Tiết niệu Bệnh viện có thể điều trị mang lại hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân. Vì vậy, khi phát hiện các biểu hiện như đi tiểu nhiều lần, nước tiểu đục, tiểu buốt rát, tiểu ra máu, có những cơn đau hai bên vùng hông, đau lưng, sốt liên tục, nước tiểu giảm dần thì người bệnh cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu ngay để được khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hoàng thông tin.

Phương Nhiên

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/y-te-suc-khoe/202208/khong-chu-quan-voi-cac-dau-hieu-cua-benh-soi-than-2b6087b/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ