A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bóng chuyển nữ Dak Lak - "Ăn năng khiếu, đánh dội tuyển"

15:09 | 09/08/2013

Bóng chuyền nói chung bóng chuyền nữ nói riêng là một trong những môn thể thao được người hâm mộ Dak Lak hết sức chú ý. Trong thời gian qua, thể thao Dak Lak đã rất nỗ lực để có được một đội bóng chuyền nữ của riêng mình.

Thế nhưng những nỗ lực ấy sẽ có nguy cơ “đổ sông đổ biển” nếu không nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức.

Những viên ngọc sáng

Vừa qua tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh đã diễn ra Giải Bóng chuyền nữ trẻ Dak Lak mở rộng năm 2013 - Cúp Vietcombank. Đội tuyển bóng chuyền nữ Dak Lak với tên gọi là Dakruco Dak Lak nằm chung bảng với các đội bóng có truyền thống như Cao su Phú Riềng, Casuco Hậu Giang. Xuất sắc vượt qua vòng bảng, dù không lọt được vào trận chung kết khi “đụng” phải đối thủ quá mạnh là VTV Bình Điền Long An ở vòng bán kết, nhưng Dakruco Dak Lak tiếp tục gây bất ngờ khi vượt qua một tên tuổi nổi tiếng không kém đó là Vietsov Petro để xếp thứ Ba chung cuộc. Tại giải đấu này, tất cả cầu thủ trong đội hình của Dakruco Dak Lak đều là những học viên đang được huấn luyện tại Trường Năng khiếu TDTT Dak Lak. Mặc dù là những cầu thủ trẻ, nhưng các cầu thủ đã cho thấy phong thái thi đấu chững chạc, tự tin, nền tảng kỹ thuật, thể lực tốt, đáp ứng được tất cả những yêu cầu chiến thuật mà ban huấn luyện đề ra. Theo HLV trưởng Đội tuyển Bóng chuyền Dakruco Dak Lak Đỗ Đức Quảng, mặc dù chỉ là những cầu thủ sinh từ năm 1995 đến 1999, nhưng trong đội hình này có đến 6 cầu thủ được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam công nhận đạt tiêu chuẩn vận động viên cấp I và đây cũng chính là đội hình sẽ đại diện cho bóng chuyền nữ Dak Lak thi đấu vòng bán kết hạng A toàn quốc sẽ diễn ra tại TP. Điện Biên từ ngày 18 đến 29-8 tới. Đặc biệt, trong đó có những cầu thủ như chủ công H’ Mia  Êban (sinh năm 1995, cao 1,78m) từng góp mặt trong đội hình Tuyển Bóng chuyền trẻ Quốc gia, hay như chủ công H’Win Niê (sinh năm 1995, cao 1,68m) cũng là gương mặt sáng giá. Hai cầu thủ này đã được một số câu lạc bộ nổi tiếng đánh tiếng đưa về thi đấu trong đội hình của họ.

Các cầu thủ bóng chuyền nữ Dak Lak (bên kia lưới) thi đấu chững chạc tại Giải Bóng chuyền nữ trẻ Dak Lak mở rộng năm 2013 - Cúp Vietcombank.

Cần lắm sự quan tâm

HLV Đỗ Đức Quảng cho biết, các cầu thủ trong đội hình là những cầu thủ được tuyển chọn trên địa bàn toàn tỉnh và được tập trung huấn luyện từ năm 2010 đến nay. Tất cả các cầu thủ trên hiện đang thuộc diện cầu thủ năng khiếu. Do đó tất cả các chế độ như ăn uống, hỗ trợ tập luyện…đều được áp dụng theo chế độ của lớp năng khiếu. Trong đó, tiền ăn mỗi ngày của mỗi vận động viên chỉ từ 70-80 nghìn đồng; trợ cấp tập luyện gần như không có và đương nhiên là tiền lương cũng không thể có. Trong khi đó, chế độ ăn khi được xếp vào diện đội tuyển thì ngoài tiền ăn được tăng lên tối thiểu là 120 nghìn đồng/người/ ngày, hỗ trợ tập luyện… thì vận động viên còn được nhận tiền lương hằng tháng. Vấn đề ở chỗ, đến nay trong biên chế ngành thể thao Dak Lak vẫn chưa có Đội tuyển Bóng chuyền nên chưa thể áp dụng “chế độ đội tuyển” cho các em. Trong khi đó, các cầu thủ này đã và đang là những gương mặt đại diện cho bóng chuyền nói riêng, thể thao Dak Lak nói chung tham gia các giải đấu, nghĩa là ở một khía cạnh nào đó, đây được xem chính là đội tuyển bóng chuyền nữ của Dak Lak. Thế nên không có lý do gì các vận động viên này không được hưởng chế độ như những đội tuyển khác. Theo HLV Đỗ Đức Quảng, các cầu thủ trong đội hình hiện tại đang ở giai đoạn phát triển tốt nhất, nhưng cũng dễ bị “thui chột” nhất nếu bị những yếu tố ngoài chuyên môn chi phối. Ông Quảng băn khoăn: trước thực tế nhiều câu lạc bộ nổi tiếng muốn “mua” một số cầu thủ trong đội tuyển, nhiều em đã tỏ ra dao động. Hơn nữa về lâu dài, nếu không kịp thời nâng cấp đội hình của lớp năng khiếu này lên cấp độ đội tuyển thì khi hết tuổi năng khiếu, các vận động viên sẽ ra đi tự do và tất nhiên bóng chuyền Dak Lak sẽ mất đi những “viên ngọc” quý giá này. Chia sẻ vấn đề này, chủ công H’ Mia  Êban cho hay, cô rất muốn được theo đuổi niềm đam mê bóng chuyền và được thi đấu trên mảnh đất quê hương. Thế nhưng trong tương lai, khi hết tuổi năng khiếu, nếu không được tạo điều kiện thi đấu với cấp độ đội tuyển thì em đành phải tìm cho mình hướng đi khác.

Thiết nghĩ, để thể thao nói chung, bóng chuyền Dak Lak nói riêng phát triển, cần phải có sự quan tâm đầu tư đúng mức. Với những gì đang diễn ra, hy vọng những người có trách nhiệm với thể thao Dak Lak cần sớm có giải pháp để chấm dứt tình trạng “ăn năng khiếu, đánh đội tuyển” như hiện nay…

    Nguồn:Báo ĐăkLắk điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ