A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sân chơi của những người yêu thích môn thể thao yoga

09:25 | 14/07/2018

Lần đầu tiên, những người có chung niềm đam mê tập luyện môn thể thao yoga mới mẻ, hấp dẫn có dịp hội ngộ, cùng tranh tài trong khuôn khổ Giải Yoga các câu lạc bộ Đắk Lắk mở rộng năm 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức.

Đây là giải đấu quy mô, thu hút nhiều câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh tham dự, với chất lượng chuyên môn được đánh giá khá cao.

Giải Yoga các câu lạc bộ Đắk Lắk mở rộng năm 2018 có gần 100 vận động viên, đến từ 18 câu lạc bộ của các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh tham dự. Các vận động viên thi đấu ở các nội dung: Yoga Asana đơn (lứa tuổi từ 6 - 12; 13 - 20; 21 - 35 và từ 36 tuổi trở lên); Yoga nghệ thuật đơn (lứa tuổi từ 6 - 12; 21 - 35 và từ 36 tuổi trở lên); nghệ thuật đôi nhịp điệu (lứa tuổi từ 10 - 24; từ 25 - 35 và 36 tuổi trở lên); Acro Yoga (lứa tuổi 36 trở lên) và nội dung đồng đội.

Không ngại đường sá xa xôi, vượt gần 400 km từ TP. Hồ Chí Minh đến với mảnh đất Tây Nguyên xinh đẹp, hiếu khách, vận động viên nhỏ nhất giải, Nguyễn Trần Xuân Hiếu được cha mẹ “tháp tùng” đi tranh tài ở lứa tuổi 6-12, nội dung Asana đơn. Hiếu hào hứng cho hay, đây là lần đầu tiên bé đi thi ở một tỉnh xa, được giao lưu, học hỏi với các bạn cùng yêu thích tập luyện môn thể thao này nên rất vui. Chung tâm trạng, các vận động viên đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông cũng rất háo hức, chờ đợi cuộc thi và đều có mặt trước 1-2 ngày để có thời gian chuẩn bị, tranh tài với quyết tâm cao nhất.

Vận động viên tập Yoga trình diễn nội dung Acro đẹp mắt.

Cuộc thi khởi tranh, vận động viên ở các nhóm tuổi bước vào thi ở các nội dung. Dưới khán đài, rất đông khán giả say mê dõi theo các vận động viên thi thố những tư thế tạo hình có tính nghệ thuật cao, với sự tập trung cao độ. Vận động viên Nguyễn Thị Vóc (Câu lạc bộ Raiya Yoga Như Vóc, TP. Buôn Ma Thuột, tranh tài ở nội dung Asana đơn trên 36 tuổi), trình diễn các động tác Asana ngả sau, gập người, vặn xoắn… một cách hoàn hảo, khiến khán giả liên tục nổi những tràng pháo tay tán thưởng, khâm phục. Và không có gì ngạc nhiên khi vận động viên này đã xuất sắc đoạt một trong 3 vị trí dẫn đầu ở nội dung này. Cuộc thi sôi động, hấp dẫn, ấn tượng hơn khi các vận động viên bước vào tranh tài ở nội dung Acro, hay còn gọi là đối kháng nghệ thuật. Từng đôi vận động viên, như hòa quyện vào cảm xúc, cùng nhau phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, trình diễn những động tác độc đáo, khiến người xem có cảm giác như đang thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo.

Hiện mức học phí yoga của các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh dao động từ 300.000 - 500.000/tháng, học tuần 3 buổi. Học viên sẽ được làm quen với những kỹ thuật từ căn bản đến nâng cao, với thời gian tập luyện liên tục khoảng 1 năm sẽ cơ bản thuần thục.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch H’Lim Niê, yoga đã du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm trước, song mới có mặt tại Đắk Lắk khoảng từ năm 2013. Môn thể thao có xuất xứ từ Ấn Độ với những lợi ích về sức khỏe, tinh thần ngày càng thu hút đông đảo người tập luyện. Từ một vài câu lạc bộ, đến nay môn thể thao này đã phát triển mạnh mẽ và có mặt ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 40 câu lạc bộ hoạt động, thu hút trên 1.000 vận động viên tập luyện. Trước nhu cầu của người tập là cần một sân chơi bổ ích, lành mạnh, được tổ chức quy mô, bài bản để mọi người giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và với mục đích khuyến khích, thúc đẩy bộ môn này phát triển, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đứng ra tổ chức giải.

Động tác Asana giàu tính nghệ thuật của vận động viên Nguyễn Thị Vóc.

Để giải đấu được diễn ra thành công, bảo đảm chất lượng chuyên môn, Sở đã mời Ban giám khảo là những người am hiểu, có chuyên môn cao từ TP. Hồ Chí Minh - địa phương có môn thể thao yoga rất phát triển - về chấm thi. Theo đánh giá của Ban giám khảo, tuy mới làm quen, tập luyện bộ môn này, song các vận động viên Đắk Lắk đã thể hiện khá tốt những bài thi, nhiều tư thế, động tác khó, đòi hỏi có thời gian tập luyện lâu, vì vậy giải có chất lượng chuyên môn khá cao.

Với khởi đầu khá thành công, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cam kết hằng năm đều tổ chức giải để những người cùng đam mê tập luyện bộ môn này có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, siết chặt tình thân.

Đăng Triều

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ