A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗi đau sau trận cầu hỗn chiến

10:57 | 23/10/2018

Suốt nhiều năm qua, dù hi sinh, thiệt thòi đủ thứ, nhưng bóng đá nữ đã xây dựng được một hình ảnh đẹp ở làng bóng Việt Nam. Nhưng tất cả đã bị ảnh hưởng nhiều sau sự cố đánh nhau của các cầu thủ nữ đội TP HCM và Than khoáng sản Việt Nam ở giải VĐQG v

 Cảnh không đẹp của trận đấu.

Tổng cộng có 13 án phạt được Ban kỷ luật VFF đưa ra cho sự cố ẩu đả của cầu thủ nữ hai đội trong trận bán kết giải vô địch quốc gia hôm 12/10 trên sân Thống Nhất. Đây cũng là số lượng quyết định kỷ lục từ trước đến nay của Ban kỷ luật VFF và chưa từng có trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam. Đáng chú ý, 6 cầu thủ gồm Nguyễn Trần Bảo Châu, Nguyễn Thị Mỹ Anh, Trần Thị Phương Thảo, Trần Thị Thu (TP HCM), Phạm Hoàng Quỳnh và Khổng Thị Hằng (Than Khoáng sản Việt Nam) mỗi người bị treo giò 5 tháng và phải nộp phạt 10 triệu đồng vì hành vi xâm phạm thân thể đối phương.

Vụ việc đã được giải quyết bằng luật, giải bóng đá nữ cũng đã kết thúc được ít hôm, nhưng vẫn để lại dư âm xấu với dư luận xã hội. Màn rượt nhau đánh tưng bừng ở sân Thống Nhất trở thành lố bịch của bóng đá Việt Nam, thậm chí ngay cả các cầu thủ nam ở giải V-League và hạng Nhất cũng không ăn thua đủ với nhau như vậy.

Vụ cầu thủ nữ ẩu đả với nhau còn có cả hình ảnh một số người hâm mộ nhảy xuống sân rượt đuổi, thậm chí quá khích đến mức động tay động chân với các cầu thủ nữ, điều hiếm khi xảy ra trong thế giới bóng đá.

Chứng kiến cảnh tượng đó, ai cũng phải ngao ngán, còn với HLV hai đội bóng trên, họ thừa nhận mình đã không kiểm soát được tình hình, và nhận lỗi lớn thuộc về ban huấn luyện, thuộc về người lớn.

Nhắc đến bóng đá nữ thì nhiều người hâm mộ dành cho một sự đồng cảm, xót thương và mến mộ chứ chưa bao giờ trách cứ, kể cả vụ việc ẩu đả vừa qua. Tất cả thương hơn là giận, vì đời con gái đi đá bóng đã là một sự hy sinh lớn. Nhiều cầu thủ nữ đá bóng như một sự đánh đổi cả tuổi thanh xuân. Cần phải nhắc lại là đội tuyển nữ Việt Nam từng 5 lần giành HCV SEA Game, còn bóng đá nam chưa một lần làm được điều này.

Một bản án không hề nhẹ khi với nhiều người, đây thậm chí là 2 tháng lương của họ. Với CLB chủ quản, án phạt đó do cầu thủ vi phạm chịu trách nhiệm và không có chuyện CLB nộp thay. Đời cầu thủ nữ vốn quanh năm chỉ dựa vào nguồn lương đa phần chưa đến 10 triệu đồng/tháng và thỉnh thoảng có thưởng khi thi đấu giải. Nhưng mức phạt đó có thể sẽ khiến nhiều chị em đi đến quyết định không theo đuổi môn thể thao khắc nghiệt này.

Án phạt của VFF sẽ góp phần răn đe các cầu thủ, nhưng hậu quả tệ nhất sau vụ ẩu đả trên sân Thống Nhất chính là nhiều gia đình sẽ không còn muốn để con gái họ tham gia đá bóng nữa.

Nói như HLV Mai Đức Chung, cầu thủ nữ đã thiệt thòi, khó khăn đủ thứ rồi, giờ lại tự làm mất hình ảnh của mình, là một nỗi đau lớn. Dẫu vậy sau sự cố lần này, rõ ràng chính người trong cuộc đã vỡ ra nhiều thứ. Đó là chuyện giáo dục cầu thủ chưa tốt, văn hóa CĐV chưa đúng mực, công tác tổ chức có nhiều thiếu sót.

Chuyện đánh nhau chắc chắn là sai. Không ai cổ súy chuyện cầu thủ đánh nhau, dù là bóng đá nam hay bóng đá nữ. Đó là hành động thiếu fair-play trong môn thể thao Vua. Nhưng bên cạnh những án phạt, thì vấn đề giáo dục sau đây được các đội bóng, địa phương quan tâm như thế nào, mới là điều đáng nói, để không xảy ra sự cố đáng tiếc một lần nữa.  

 Việt An

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ