A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bóng đá Việt Nam: Khủng hoảng tiền đạo

15:05 | 11/06/2020

Trong khi các tiền đạo nội không có nhiều đất diễn ở các đội bóng V-League, thì chân sút ngoại cũng không thực sự xuất sắc, thậm chí chất lượng thua xa so với cách đây cả chục năm.

Vòng 3 V-League, Văn Quyết tiếp tục chói sáng.

Điểm sáng Văn Quyết

Vòng 3 V-League, Văn Quyết một lần nữa được nói tới khi thể hiện phong độ chói sáng, ghi bàn góp công giúp Hà Nội giành chiến thắng 3-0 trước HA Gia Lai. Trước đó trong năm 2019, Văn Quyết là một trong những tiền đạo nội hiếm hoi thể hiện được đẳng cấp, cạnh tranh sòng phẳng với các chân sút ngoại trên hàng công.

Tuy nhiên, ngoài Văn Quyết chơi rất ổn định ở Hà Nội, thì nhìn rộng ra không có mấy chân sút nào làm được điều tương tự. Tiến Linh, Anh Đức ở Bình Dương cũng chỉ đạt tới đỉnh cao khi lên ĐTQG và U22 Việt Nam. Các tiền đạo khác như Công Phượng, Đình Tùng, Việt Phong, Tuấn Tài, Đức Chinh… cũng chỉ chơi tròn vai ở những vòng đấu vừa qua. Tất cả chưa thể so được với các ngoại binh, và vì thế suất đá chính cũng không chắc chắn.

Mùa giải 2019, 5 vị trí dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới đều là tiền đạo ngoại. 16 trong 17 Vua phá lưới gần nhất là những ông “Tây”. Thực tế các đội bóng sử dụng ngoại binh trên hàng công không thể chối cãi, thậm chí sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa ở V-League.

HLV Lê Huỳnh Đức từng thừa nhận: “Áp lực từ các CLB bắt buộc HLV phải có thành tích, giành chiến thắng nhiều hơn. Các HLV ưu tiên cho cầu thủ ngoại bởi họ to, cao, khỏe mạnh còn cầu thủ nội nhỏ con, hiệu quả ghi bàn lại không bằng cầu thủ nước ngoài. Kể cả thầy Park Hang Seo, nếu ông ấy làm ở CLB, chịu áp lực, thì ông ấy cũng sẵn sàng dùng cầu thủ ngoại thôi”.

Cũng không thể nói HLV Lê Huỳnh Đức nói riêng và các HLV khác nói chung không tạo cơ hội cho các tiền đạo nội thể hiện mình. Ví dụ như ở Đà Nẵng, HLV Huỳnh Đức thường xuyên cho Hà Đức Chinh đá chính, ở B.Bình Dương là Nguyễn Tiến Linh, ở HAGL là Nguyễn Văn Toàn, tại CLB TP. Hồ Chí Minh là Nguyễn Công Phượng, ở SL Nghệ An là Phan Văn Đức…

Thế nhưng, tất cả cũng đã thấy quá rõ, sự hiệu quả của các chân sút nội là không nhiều, hoặc trận hay, trận dở, buộc các HLV phải thay đổi cách dùng người, để giành thành tích cho đội bóng, và bảo vệ chính chiếc ghế của mình.

Trong suốt một thời gian dài, chưa ai thay đổi được trật tự của những sát thủ ngoại binh ở V-League. Đó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Khi không thay đổi nó, điều cần làm là chấp nhận thực tại và xoay xở với mọi thứ ta có. Nói cách khác, việc một tiền đạo nội chơi nổi bật chỉ là số ít, và các đội bóng dường như cũng đã quen với điều này.

Chất lượng ngoại binh đi xuống

Việc đi tìm chỗ đứng của các chân sút nội vẫn là câu chuyện dài kỳ. Khi nhìn vào thực tế đội bóng nào cũng dùng hàng ngoại, sẽ có câu hỏi được đặt ra, có phải đẳng cấp của họ quá vượt trội?

Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Nếu như V-League khan hiếm các tiền đạo đẳng cấp, thì ngay cả các ngoại binh thường xuyên được đá chính, cũng không mấy ai nổi bật.

Chúng ta thấy rằng trình độ chơi bóng của ngoại binh ở V-League thời gian gần đây không thật sự cao, nếu không muốn nói ngày càng đi xuống. Nhiều ngoại binh như Rimario, Samson, Kebe… nay đây mai đó, và cũng đang gặp khó trong việc thể hiện sự vượt trội của mình ở mỗi đội bóng.

Bình luận viên Vũ Quang Huy đã thẳng thắn khi nói về chất lượng hiện nay của cầu thủ ngoại khi chơi bóng ở Việt Nam: “Nói thật rằng nếu các cầu thủ ngoại kém đến mức như thế, tôi nghĩ rằng các đội bóng có thể đừng dùng nữa.

Quan sát V-League vài mùa gần đây, tôi khẳng định rằng chất lượng ngoại binh càng ngày càng kém, điển hình nhất là mùa giải 2019 vừa rồi. Mùa bóng 2020 này chắc cũng không khá hơn là mấy”.

Bài toán ngoại binh chất lượng thực ra rất đơn giản, đó là… tiền. Cách đây 10 năm, các đội bóng chi cả núi tiền để mua các ngôi sao tầm cỡ thế giới, như trường hợp Hải Phòng mua Denilson. Nhưng giờ thì tình hình khác nhiều, hầu hết các đội đều thắt chặt chi tiêu, có mua ngoại binh nhưng chỉ ở mức trung bình, chủ yếu tận dụng thể hình, thể lực để “cày” khoẻ suốt cả trận đấu.

Bên cạnh đó, V-League hiện tại bị cạnh tranh quyết liệt từ Thai League, Liga 1 (Indonesia) hay Super League (Malaysia), thậm chí cả giải Myanmar. Những giải đấu này chất lượng đang được nâng dần lên, đãi ngộ cho cầu thủ cũng rất tốt nên sẽ hút ngoại binh giỏi. Nguyên nhân cuối cùng có thể là do khâu thẩm định của các nhà chuyên môn Việt Nam không tốt, nên thường xuyên mua phải “hàng” kém chất lượng. Đó là lý do mà rất nhiều đội bóng phải thanh lý sớm với các ngoại binh chỉ sau vài trận đấu.

Nói vậy nhưng nhìn chung, ngoại binh vẫn được đánh giá cao hơn nhiều so với nội binh, đặc biệt là ở trên hàng công. Tuy nhiên, chất lượng của các cầu thủ ngoại nếu so với Thai-League hay một số quốc gia khác trong khu vực thì vẫn còn thua xa, và điều đó dĩ nhiên mang đến hệ quả là V-League thiếu đi sự hấp dẫn.   

Gia Phong

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/bong-da/bong-da-viet-nam-khung-hoang-tien-dao-tintuc468257

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ