A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Xuất khẩu năm 2024: Nhiều ngành hàng lập kỳ tích

11:07 | 25/11/2024

Theo dự báo của Bộ Công thương, những tháng cuối năm, cả 2 nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là do sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ và EU.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả ước đạt 6,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu giữ được phong độ và tăng trưởng những lĩnh vực quan trọng.

Dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam có lượng xuất khẩu gạo lớn với trên 8 triệu tấn (đạt trên 5 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Quang Vinh.

Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, với giá bình quân 575 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Bước sang năm 2024, chỉ trong 10 tháng, lượng gạo xuất khẩu đã đạt gần 7,8 triệu tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều mặt hàng bứt phá ngoạn mục

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tổng khối lượng xuất khẩu gạo tính đến 15/11 đạt 8,05 triệu tấn mang về 5,05 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm so với bình quân 10 tháng đầu năm là do Ấn Độ đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo nên thị trường toàn cầu có thêm nguồn cung. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam vẫn neo cao và giữ mức đắt đỏ nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm Việt Nam có lượng xuất khẩu gạo lớn với trên 8 triệu tấn, giá trị cũng sẽ đạt trên 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu bình quân cũng có thể đạt mức cao nhất, trên 600 USD /tấn. Điều này giúp giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ở mức cao và ổn định.

Tương tự, mặt hàng rau quả cũng là ngành lập kỳ tích về kim ngạch và giá trị. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, Trung Quốc vẫn là thị trường mua rau quả Việt Nam nhiều nhất, gần 4,1 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan đều tăng trưởng tích cực.

Theo Bộ NNPTNT, năm 2024 chứng kiến bước ngoặt lớn đối với ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả. Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 6,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây không chỉ là cột mốc ấn tượng mà còn vượt qua mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của năm 2023. Ngành này đang hướng tới mục tiêu đạt 7 tỷ USD vào cuối năm, vượt xa kỳ vọng ban đầu từ Bộ NNPTNT.

Năm 2024 có thể xem là năm đầy khó khăn với ngành thủy sản, tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp (DN), sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý và hiệp hội, ngành cá tra Việt Nam đạt kết quả đáng mừng cả về chất lượng và giá trị. Sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023.

Có được kết quả này, theo đánh giá, DN lẫn ngư dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại; đa dạng hóa thị trường, luôn tìm kiếm thêm thị trường mới để xuất khẩu. Được sự hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương, DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh cải thiện hình ảnh sản phẩm trong mắt người tiêu dùng trên thế giới, bằng cách tiếp tục xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, tăng cường quảng bá sản phẩm.

Không chỉ nông sản, các ngành hàng chủ lực như: điện tử, máy tính và linh kiện; dệt may; da giày… cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng qua nhờ đơn hàng tăng trở lại. Chẳng hạn như, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 58,7 tỷ USD, tăng 26,1% (dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả nước); xuất khẩu dệt may mang về 3,2 tỉ USD, tăng hơn 25%; giày dép xuất khẩu thu về hơn 2 tỉ USD, tăng hơn 16%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2023.

Trái cây là mặt hàng nông sản lập kỷ lục xuất khẩu trong năm 2024. Ảnh: Ánh Ngọc.

Tín hiệu sáng cho thời gian tới

Có được kết quả trên, theo các chuyên gia ngoài yếu tố thuận lợi từ giá xuất khẩu tăng cao trên thị trường thế giới thì xuất khẩu nông sản đạt được những kỉ lục về giá trị và kim ngạch là nhờ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được thực hiện suốt nhiều năm qua. Từ chỗ bán những thứ mình có, nay DN nông sản của Việt Nam đã bán được những thứ thị trường cần.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá, ngoài các thị trường truyền thống, ngay từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp đã nhấn mạnh đến việc khai thác các thị trường có lợi thế tiềm năng mới, trong đó có thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo.

Mới đây, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được ký kết, mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản sang thị trường Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). “2 tháng cuối năm 2024 sẽ là thời gian tăng tốc quyết liệt của các ngành hàng với mục tiêu mới nhất là đưa kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cán mốc kỷ lục khoảng 60 tỷ USD” - ông Tiến nói.

Đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu chung của Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Đến thời điểm hiện tại, xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu giữ được phong độ và tăng trưởng phần quan trọng nhờ vào khối DN nước ngoài qua quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng. “Xuất khẩu tăng trưởng là điều rất đáng vui mừng, song vấn đề cần quan tâm và đặt ra cho ngành sản xuất trong nước là phải nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguyên liệu và tỉnh táo trong vấn đề bị lợi dụng để hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, lẩn tránh xuất xứ…” - ông Thịnh lưu ý.

Nhận định về thị trường trong những tháng cuối năm cũng như năm 2025, giới chuyên gia cho rằng, dù còn có nhiều yếu tố bất lợi từ thị trường nhưng với đà tăng trưởng năm 2024 sẽ là nền tảng vững chắc cho năm 2025. Thực tế, trong khi khối sản xuất đang khẩn trương hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm nay, thì đại diện lãnh đạo của Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đang làm việc với nhiều nhà mua quốc tế, để chuẩn bị các đơn hàng năm 2025. Hiện đã có khoảng 60% đơn hàng của năm sau, thời gian tới tiếp tục đàm phán với khách hàng lớn để cung cấp những sản phẩm rau, quả đã qua chế biến theo nhu cầu của thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ.

Còn Tập đoàn Tân Long cũng vừa xuất khẩu thành công 3.000 tấn gạo chất lượng cao vào thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội cho năm tới, tiếp tục xuất khẩu hàng nghìn tấn gạo vào thị trường khó tính này.

Đề cập về những cơ hội và thách thức trong những tháng cuối năm và năm 2025, ThS. Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết: Kinh tế toàn cầu phục hồi, mạng lưới các FTA đã tạo thêm cơ hội để gia tăng xuất khẩu, gắn với đà phục hồi của chuỗi cung ứng ở châu Á. Tuy nhiên, bên cạnh đó là thách thức từ xu hướng phát triển bền vững, việc gia tăng các biện pháp thương mại tại nhiều thị trường... Chính vì vậy, các DN cần chủ động tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường và đề ra kế hoạch ứng phó; Nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh doanh mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...). Với cơ quan quản lý nhà nước, cần chủ động theo dõi, đánh giá các xu hướng, quy định mới để thông tin phù hợp cho cộng đồng DN; Hướng dẫn DN xây dựng chiến lược tận dụng hiệu quả các ưu đãi trong các FTA. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh các quy định có tính thích ứng với các xu hướng mới (hài hòa hóa với các tiêu chuẩn quốc tế có cân nhắc tới năng lực thích ứng của DN trong nước); Tham gia xây dựng các luật chơi quốc tế phù hợp trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Về giải pháp nhằm giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ DN đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã có ký kết, đồng thời triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, hỗ trợ DN tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương):

Tận dụng các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu

Thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát tại các thị trường giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện... Do đó dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.

Tuy nhiên, những thách thức là các "hàng rào kỹ thuật" mới cần nhận diện rõ, đó là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...Chính vì vậy, để tận dụng thị trường các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước; Tìm hiểu, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế.

Lê Bảo

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/xuat-khau-nam-2024-nhieu-nganh-hang-lap-ky-tich-10295169.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ