A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân Bình Hòa nỗ lực cứu lúa

13:32 | 10/01/2019

Xã Bình Hòa là một trong những địa phương bị thiệt hại nhiều nhất trong đợt mưa lũ diễn ra vào đầu tháng 1-2019 vừa qua tại huyện Krông Ana.

Hiện nay, người dân trên địa bàn xã đã và đang tập trung mọi giải pháp để cứu những diện tích lúa đông xuân bị ngập.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2018-2019, xã Bình Hòa gieo trồng hơn 1.900 ha, riêng lúa nước 1.670 ha (chiếm gần 88% tổng diện tích), phần diện tích bị ngập chủ yếu ở vùng thấp trũng. Đối với diện tích lúa ngập lụt ở vùng thấp trũng, khả năng khắc phục là rất khó, người dân đành chờ nước rút để tiến hành gieo sạ lại. Còn với diện tích lúa bị ngập vừa phải, trong những ngày qua, người dân trên địa bàn xã đã và đang dùng máy bơm hút nước qua các kênh mương thủy lợi để cứu lúa.

Nông dân bơm nước cứu lúa.

Tại cánh đồng thôn 6 (Ea Chai) nhiều máy bơm hoạt động ngày đêm hút nước để cứu lúa. Anh Nguyễn Tài (người dân thôn 6) buồn bã cho hay, vụ đông xuân này gia đình anh gieo sạ 6 ha trên cánh đồng thôn 6, với chi phí khoảng 5 triệu đồng/ha gồm tiền mua giống, công làm đất…; do ảnh hưởng của đợt bão vừa qua, cả 6 ha lúa nhà anh đã bị nhấn chìm. Trong đó, 3 ha ở vùng thấp trũng không thể khắc phục, còn 3 ha ở vùng cao hơn cả tuần qua anh đã đưa máy bơm hút nước cứu lúa, với hy vọng còn nước còn tát.

Cùng với việc bơm nước, hằng ngày vợ chồng anh thường xuyên nạo vét các dòng chảy, mua túi ni lông giăng xung quanh bờ ruộng để phòng chuột đồng. Tương tự, với 2 ha lúa nước tại cánh đồng thôn 6 bị ngập, hộ ông Đặng Văn Huấn (nhà ở thôn 4) đã cho máy bơm hoạt động 24/24 giờ để bơm nước cứu lúa. Theo đó, với 0,5 ha lúa mất trắng, hiện nay ông đã tiến hành làm lại đất, ngâm giống và chuẩn bị gieo sạ lại, còn 1,5 ha bị ngập vừa, gia đình đang sử dụng 2 máy bơm nước hút nước. Ông Huấn cho biết, nếu những ngày tới thời tiết thuận lợi thì khả năng khôi phục 1,5 ha lúa khá cao, còn trường hợp nếu mưa tiếp thì không thể cứu vãn tình thế.

Tại một số khu vực khác, do không có chỗ tiêu nước, người dân đã dùng máy xúc đất đắp đường ngăn không cho nước đổ chảy về ruộng lúa. Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho hay, trong những ngày qua, chính quyền địa phương đã tổ chức đi kiểm tra thực tế tại các cánh đồng, vận động bà con huy động nhân lực nạo vét kênh mương, dòng chảy và máy bơm để cứu lúa. Địa phương sẽ tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại để báo cáo gửi về Phòng NN-PTNT huyện, kiến nghị huyện hỗ trợ kinh phí nạo vét các công trình kênh mương để tiêu thoát nước trên các cánh đồng, và hỗ trợ giống lúa để người dân tiến hành gieo sạ lại.

Người dân xã Bình Hòa làm đất chuẩn bị gieo sạ lại.

Trước diễn biến thời tiết bất thường, UBND huyện Krông Ana đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban liên quan và các xã, thị trấn tập trung mọi giải pháp để tiến hành gieo trồng đúng thời vụ. Cụ thể, đối với cây lúa nước, huyện đề nghị phải thường xuyên kiểm tra trên các cánh đồng để điều tiết nước hợp lý, chỉ đạo sát sao lịch thời vụ, tranh thủ xuống giống sớm nhất để có thể tránh hạn vào cuối vụ; sử dụng giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày, ít đổ ngã, chống khô hạn tốt; vận động người dân thực hiện gieo mạ để cấy trên chân đất đang bị ngập nước.

Ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cho biết, hiện nay toàn huyện có khoảng 2.020 ha đất trồng lúa bị ngập do ảnh hưởng bão số 1, nguy cơ không sản xuất đúng theo hướng dẫn khung lịch thời vụ đã ban hành là rất lớn. Tổng diện tích cây trồng bị ngập (chủ yếu là lúa) gần 410 ha, trong đó xã Quảng Điền gần 16 ha, Ea Na 15 ha, Dur Kmăl 88 ha, Bình Hòa 216 ha và thị trấn Buôn Trấp hơn 74 ha (chiếm gần 53% tổng diện tích thiệt hại toàn huyện).

Hoàng Tuyết

 

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ