A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khẩn cấp ứng phó dịch tả lợn châu Phi

08:37 | 21/02/2019

Bộ Y tế khẳng định bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây qua người nên người tiêu dùng đừng hoang mang mà tẩy chay sản phẩm thịt lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 tỉnh là Hưng Yên (2 ổ dịch) và Thái Bình (1 ổ dịch). Cục Thú y, Bộ NN-PTNT đã tiêu hủy toàn bộ hơn 253 con lợn nhiễm bệnh.

Cấm buôn bán, vận chuyển lợn bệnh

Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ ông Dương Văn Vũ ở xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên và hộ ông Lê Xuân Tình ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tại tỉnh Thái Bình, dịch được phát hiện tại một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà. Đa phần là lợn con và lợn choai theo mẹ. Các mẫu xét nghiệm những hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch đã cho kết quả âm tính và sau 18 ngày chưa phát hiện thêm ổ dịch mới.

Cán bộ thú y phun tiêu độc, khử trùng tại các trang trại vùng có dịch tại Hưng Yên Ảnh: TRẦN QUANG

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho thấy các địa phương chăn nuôi lợn ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh chưa phát hiện loại dịch tả trên.

Ông Võ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn, cho biết từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi, công ty đã kiểm soát nghiêm ngặt, không cho bên ngoài vào khu vực trại chăn nuôi lợn; tổ chức tẩy độc, sát trùng chuồng trại thường xuyên. Ngay cả công nhân trước khi vào trại cũng phải "tắm" dung dịch sát trùng. Khu vực xung quanh bên ngoài chuồng trại cũng đã rải vôi. Bếp ăn tập thể cũng sử dụng nguồn thịt của chính đơn vị chăn nuôi, giết mổ. Ngoài ra, công ty còn tổ chức kiểm soát chim chóc, chuột vì đây cũng là nguồn trung gian lây bệnh dịch.

Đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đã thông báo đến các trại chăn nuôi, kể cả trại nuôi gia công và tổ chức nhân viên kỹ thuật đến từng trại để tập huấn phòng chống dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng ngừa. Xe vào ra chuồng trại đều phải phun thuốc khử trùng.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, nhấn mạnh để phòng chống dịch hiệu quả, cục kiến nghị chính quyền các địa phương, người chăn nuôi chấp hành nghiêm chỉnh quy trình thú y, phòng dịch. Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được, chưa có vắc-xin. Không để những người bán cám, bán thuốc vào khu chuồng nuôi nếu chưa thực hiện sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.

Bộ NN-PTNT đã gửi văn bản đến đại sứ quán các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi, thông báo tạm dừng nhập khẩu lợn, sản phẩm của lợn từ các tỉnh (vùng) có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cấp bách khống chế dịch

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cũng khẳng định dịch tả lợn không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn.

Ông Phu cho biết dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. "Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người" - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Hiện hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước. Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (Cục Y tế dự phòng) sẽ tiếp tục cập nhật kịp thời tình hình.

Về nguyên nhân xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi, theo nhận định ban đầu của Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác, có thể thông qua vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này, nơi khác. Mặt khác, yếu tố con người và phương tiện vận chuyển đi từ nơi này sang nơi khác là những nguyên nhân khiến dịch lây lan.

Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, ngày 20-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị yêu cầu các bộ trưởng, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách để khống chế bệnh dịch. 

 

Đài Loan sẽ phạt nặng du khách Việt mang thịt lợn

Từ ngày 20-2, các du khách từ Việt Nam mang theo các sản phẩm thịt lợn không khai báo sẽ phải đối mặt với mức phạt 200.000 Đài tệ (TWD; 6.436 USD) cho lần đầu vi phạm và 1 triệu TWD (32.180 USD) cho mỗi lần vi phạm tiếp theo. Chính quyền Đài Bắc thông báo hôm 19-2 (giờ địa phương) sau khi Việt Nam phát hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi.

Kể từ ngày 16-2, tất cả du khách Việt đến Đài Loan đều bị kiểm tra hành lý xách tay sau khi Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan phát hiện virus trong bánh mì sandwich thịt lợn do một du khách từ TP HCM mang theo vào ngày 5-2. Theo Tổ chức Thú y thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, từ ngày 3-8-2018 đến 18-2-2019, 105 ổ dịch đã xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông, gần biên giới với Việt Nam).

P.Nghĩa

Văn Duẩn - Ngọc Dung - Nguyễn Hải

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ