A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân 'mất ăn, mất ngủ' vì rầy nâu xuất hiện ở khắp nơi

08:43 | 26/02/2019

Từ trước tết Nguyên đán đến nay, nhiều tỉnh, TP ở ĐBSCL liên tục xuất hiện các đợt rầy nâu nở và rầy di trú với mật số rất cao, không chỉ gây hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Một số địa phương đã xảy ra cháy rầy cục bộ dù nông dân đã tốn không ít tiền phun thuốc phòng trừ để bảo vệ lúa.

Với 10 ha lúa Jasmine 85, anh hộ anh Phan Văn Trung phải sử dụng dàn máy phun đề phòng trừ rầy mà ruộng vẫn chưa sạch rầy

Thời điểm này, đi dọc theo các tuyến lộ nông thôn ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng lúa bắt đầu chín vàng, một số diện tích lúa ngắn ngày nông dân đã thu hoạch xong. Những hộ làm các giống lúa thơm, dài ngày, như RVT, Đài Thơm 8, Jasmine 85… khoảng 10 - 15 ngày nữa mới cho thu hoạch. Điều mà nông dân lo lắng nhất hiện nay là tình trạng rầy nâu liên tục xuất hiện với mật số cao. Nhiều hộ đã phun tới 2 -3 đợt thuốc phòng trừ nhưng vẫn chưa yên tâm chờ ngày thu hoạch.

Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang, toàn tỉnh có 39.325 ha lúa đông xuân bị nhiễm sâu, bệnh gây hại. Riêng diện tích bị nhiễm rầy nâu là 22.251 ha, trong đó có gần 1.000 ha bị nhiễm nặng, với mật số hơn 3.000 con/m2, 6.170 ha nhiễm trung bình, mật số từ 1.500 - 3.000 con/m2…, chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ và trổ chín. Những diện tích nhiễm nặng đã xảy ra cháy rầy cục bộ, như huyện Hòn Đất với 510 ha, tỷ lệ từ 10 -30%, Giồng Riềng có 126 ha, Tân Hiệp 100 ha, tỷ lệ 5 - 10%. Diện tích cháy rầy chủ yếu trên các giống lúa RVT, Đài Thơm 8, OM 2517, IR 50404…

Nhìn ruộng lúa gần 5 ha, gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8, còn khoảng 10 ngày nữa mới cho thu hoạch nhưng đã bị cháy rầy lỗ trỗ, ông Nguyễn Hữu Quân ở xã Mỹ Phước (Hòn Đất) không khỏi buồn rầu: “Thời điểm trước tết, khi lúa bắt đầu trổ, nghe ngành nông nghiệp cảnh báo về sự xuất hiện của rầy nâu, tôi đã liên tục thăm đồng, thấy rầy nhiều là phun thuốc. Đến nay đã phun tổng cộng 3 đợt, mỗi đợt phun tốn hết 1,5 triệu đồng/ha, vậy mà vẫn xảy ra cháy rầy cục bộ. Nếu rầy tiếp tục xuất hiện với mật số cao thì phải phun thêm đợt nữa mới cho thu hoạch. Giờ có giữ được lúa thì cũng không còn lợi nhuận, vì hiện nay giá lúa đang ở mức thấp”.

Tương tự, hộ anh Phan Văn Trung ở xã Tân An (Tân Hiệp), vụ này làm 10 ha giống lúa Jasmine 85, với 2 lứa rầy nâu nở trước và sau tết, anh đã phải phun 2 đợt thuốc phòng trừ nhưng ruộng vẫn chưa sạch rầy.

Anh Trung lo lắng: “Tôi vẫn còn để sẵn dàn máy phun trên ruộng, nếu rầy gia tăng mật số cao thì sẽ phải phun thêm đợt nữa. Vì nhiều ruộng lúa ngắn ngày đang thu hoạch nên rầy di trú rất nhiều. Mọi năm vụ đông xuân tôi chỉ tốn từ 15 - 17 triệu đồng/ha cho chi phí phân bón, thuốc BVTV nhưng năm nay đã lên đến 20 triệu rồi”.

Th.S Võ Thị Hồng Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, năm nay rầy nâu xuất hiện trên địa bàn tỉnh khá nhiều đợt, cụ thể là vào ngày 26 - 27 tết một đợt và ngay ngày mùng 1 tết thêm đợt nữa. Ngoài ra, còn thêm nhiều đợt rầy trưởng thành, rầy gối lứa tuổi 2 - 3 di trú do một số nơi thu hoạch lúa. Cũng may là ngành nông nghiệp đã có dự báo chính xác các đợt rầy nở và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời nên hạn chế được dịch hại.

Không chỉ gây hại trên đồng ruộng, làm tăng chi phí sản xuất, rầy nâu di trú vào đèn với mật số cao còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạch của người dân cả nông thôn lẫn thành thị. Chị Huỳnh Thị Huyền Hân ở phường An Hòa (TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết: “Khoảng 1 tháng nay, đêm nào rầy cũng vào đèn khá nhiều. Cứ tối đến là không dám mở đèn vì chúng bu đen, sáng ra nằm chết kín sàn nhà. Có hôm quét gom được cả ký rầy. Việc sinh hoạt hàng ngày, học hành, ôn bài ở nhà của các bé cũng bị ảnh hưởng vì rầy vào nhà quá nhiều”.

Rầy di trú vào đèn với mật số cao còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cả nông thôn lẫn thành thị

Theo Th.S Võ Thị Hồng Thủy: “Năm nay rầy nâu bùng phát và gây cháy rầy cục bộ trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân nông dân gieo sạ bị mất cân đối cơ cấu giống lúa. Một số huyện như Giồng Riềng, Hòn Đất.. gieo sạ các giống lúa không kháng rầy, giống nhiễm rầy (chủ yếu là các giống lúa thơm) quá nhiều, chiếm tới 60 - 70% diện tích. Hơn nữa, nông dân vẫn giữ tập quán gieo sạ rất dày, khi rầy xuất hiện lại phun không đúng cách, chủ yếu phun trên lá lúa trong khi rầy trú ẩn dưới gốc nên không hiệu quả”.

Đ.T.CHÁNH

    nguồn :(nongnghiep.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ